(VietNamNet) - Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) là 7% trong năm 2003, tương đương với mức đạt được năm 2002 và đứng thứ hai về đà tăng trưởng trong năm nay ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương sau Trung Quốc. Đó là dự báo do Ủy ban Kinh tế Xã hội KVCA-TBD của Liên Hiệp Quốc (ESCAP) đưa ra trong Báo cáo điều tra kinh tế - xã hội của khu vực này, vừa được UNDP công bố chiều qua (17/4).
|
Phân xưởng sản xuất của ắc quy Tia Sáng |
Mức tăng trưởng 7% trên được đưa ra sau khi xem xét và ước đoán các thiệt hại về kinh tế và xã hội do SARS và chiến tranh Iraq mang lại. Hai sự kiện này đã làm mức tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam giảm 0,5% so với dự đoán đầu năm. Bản báo cáo nhận xét SARS ảnh hưởng trực tiếp tới hai ngành du lịch và giao thông, và do đó làm giảm những giao dịch kinh tế và đầu tư trong khu vực cũng như buôn bán nội vùng.
Tuy nhiên, số liệu từ 16 nước trong khu vực (như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippin, Malaysia vv…) và từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy khu vực này vẫn sẽ giữ được đà tăng trưởng trung bình 5%, cao hơn hẳn so với Mỹ (2,2%), Liên minh Châu Âu (1,8%) và Nhật Bản (0,6%).
Để giảm thiểu tác hại của hai sự kiện trên trong tương lai gần và duy trì đà phát triển kinh tế hiện nay, ông Robert Glofcheski, Chuyên viên Kinh tế trưởng thường trú của UNDP nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tiếp tục mở cửa các ngành dịch vụ , song song với việc giảm thuế để khuyến khích đầu tư nước ngoài, và hạn chế được mức nợ nước ngoài ở tầm kiểm soát được. Năm 2002, Việt Nam nợ nước ngoài 13,3 tỷ đô la Mỹ, tương đương 37% GDP và 84% kim ngạch xuất khẩu, tăng 1,2 tỷ đô la so với năm 2001. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra một số liệu khả quan rằng tỷ lệ dịch vụ nợ (tỷ lệ doanh thu xuất khẩu được dùng để trả nợ) năm 2002 đã giảm đáng kể so với 2001, chỉ còn 7.9% của doanh thu xuất khẩu năm 2002.
|