|
Sản xuất thép của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào phôi thép nhập khẩu. |
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), nguyên nhân thị trường thép hiện nay "nguội lạnh" là do giá phôi nhập hồi đầu năm tăng quá nhanh khiến các nhà sản xuất buộc phải tăng giá đột biến (có đơn vị tăng giá tới 3 lần trong 2 tuần), trong khi thị trường không chấp nhận giá bán cao.
Nguyên nhân nữa là một số nhà phân phối đã ''đầu cơ'', biết trước giá tăng đã mua một số lượng lớn thép khi chưa tăng giá để kiếm lời. Ðến khi giá bán của các nhà máy tăng, các nhà phân phối ngừng mua và chờ thị trường ổn định. VSA cho biết, hiện nay lượng thép tồn kho còn khá lớn, lên tới gần 150.000 tấn.
Đến tháng 7 mới giảm giá thép
Hầu hết các nhà máy ngoài Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC) trong 3 tháng đầu năm và cả trong tháng 4 này số lượng tiêu thụ rất thấp. Trong tháng 3, mức tiêu thụ của SSE giảm 58%, HPS giảm 50%, Hoà Phát giảm 44%, Sunsteel giảm 27%.... Đây là điều không bình thường bởi theo quy luật, tháng 3 hàng năm lượng thép tiêu thụ rất mạnh. |
Đa số các nhà sản xuất thép cho biết hiện nay giá phôi thép nhập khẩu đang xuống ở mức 270-280 USD/tấn nhưng họ không thể giảm giá bán bởi giá bán thép hiện nay được tính trên cơ sở giá phôi nhập khẩu rất cao từ những tháng trước (295-300 USD/tấn). Ngay cả với mức giá bán hiện tại, các nhà sản xuất cũng đang chịu lỗ, bán dưới giá thành phẩm.
Ðại diện của Công ty Thép VPS cho biết, với mức giá phôi thép nhập khẩu đang giảm như hiện nay, đến cuối tháng 6 phôi thép mới về đến nhà máy. Như vậy, tới đầu tháng 7 giá bán mới có thể giảm. Theo nhiều nhà sản xuất, người tiêu dùng thì chờ giảm giá mà họ không thể giảm giá, thị trường đang đóng băng. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ trong tháng 4 sẽ rất thấp khi mùa mưa đang đến gần.
''Kẻ khóc người cười''
Đa số các công ty giảm mạnh tiêu thụ thép trong quý I nhưng một số khác lại đạt kỷ lục tiêu thụ do tự sản xuất được một phần lớn phôi thép và bán thấp giá so với các nhà máy khác.
Trong thời gian qua, độ chênh giá bán giữa các nhà sản xuất phôi trong nước (SSC và TISCO) với các đơn vị nhập 100% phôi quá lớn: lên tới 500.000 - 600.000 đồng/tấn. Theo ông Chu Quang Vũ, Giám đốc Công ty Thép Hoà Phát, mức chênh này là không bình thường, bởi dù có lợi thế là sản xuất phôi trong nước thì mức chênh giá bán cũng chỉ đến 300.000 đồng/tấn chứ không thể lên tới 500.000-600.000 đồng/tấn.
Mức chênh quá lớn này đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các thành viên VSC và các nhà sản xuất khác. Ðiều này phản ánh trong báo cáo doanh thu quý I cho thấy, trong khi nhiều nhà sản xuất chịu lỗ nặng thì có công ty lãi lớn.
(Theo TBKTVN) |