Trái phiếu đô thị: Ai bán, ai mua?
08:37' 17/04/2003 (GMT+7)

Mỗi năm, TP.HCM cần 3.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản.

Vay thế nào, vay bao nhiêu, lấy gì để bảo đảm, người đầu tư vào trái phiếu có lợi gì... Đó là những vấn đề được bàn tới tại hội thảo về phát hành trái phiếu đô thị (TPĐT) để đầu tư cơ sở hạ tầng do Phân viện TP.HCM Học viện Tài chính vừa tổ chức.

Sức hấp dẫn chưa cao

Người dân chưa quan tâm đến TPĐT vì nhiều lý do, trong đó có lãi suất. Nguyên nhân là lãi suất của trái phiếu bị áp đặt quá thấp, không phù hợp với lãi suất của thị trường; kỳ hạn của trái phiếu quá dài; nhà đầu tư khó có thể bán trái phiếu để thu hồi vốn khi cần (tính thanh khoản thấp)... Nhiều ý kiến đề nghị tạo sức hấp dẫn cho trái phiếu bằng các bảo đảm như bảo lãnh từ chính quyền trung ương, bảo lãnh của ngân hàng địa phương... Tuy nhiên, theo ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thanh - Phó giám đốc Phân viện Tài chính TP.HCM, nên đa dạng hình thức để nâng cao mức độ tín nhiệm và hấp dẫn của trái phiếu. 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thanh - Phó giám đốc Phân viện Tài chính TP.HCM - cho biết, theo Nghị định 93 của Chính phủ, TP.HCM được huy động vốn lên đến 100% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm. Con số này vào khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.

Đơn cử là trường hợp TP.HCM đã làm với hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí hai con đường cho Công ty cổ phần Hạ tầng kỹ thuật đô thị TP.HCM (CII). Giá chuyển nhượng là 1.000 tỷ đồng với giả định lượng xe lưu thông tăng 5%/năm. Truờng hợp không tăng như dự kiến hoặc doanh thu giảm hơn 10% so với kế hoạch thì phải điều chỉnh lại hợp đồng. Cam kết này góp phần giúp cổ phiếu của CII đạt mức tín nhiệm cao và bán hết trong thời gian ngắn.

Tiến sĩ Trần Đắc Sinh - Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - đề nghị sớm thành lập các tổ chức định mức tín nhiệm để giúp nhà đầu tư và cho thị trường những phương thức đánh giá rủi ro nhanh nhất, tiền lợi nhất. Trên cơ sở này, nhà đầu tư có thể so sánh nên đầu tư vào trái phiếu nào có lợi nhất, hạn chế được rủi ro.

Vay được, trả được

Nhiều tham luận đã đề cập đến các biện pháp nhằm hạn chế phát hành TPĐT tùy tiện, vượt quá khả năng thanh toán. Việc đầu tiên là phải cải cách DN công ích ở địa phương và giá cả dịch vụ công. Vì tiền vay của chính quyền được đầu tư vào các công trình công ích vốn có lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ. DN có tỷ suất lợi nhuận trên vốn dưới 11% thì khó nghĩ tới việc phát hành trái phiếu.

Tiến sĩ Thanh đề nghị phải có luật cho phép chính quyền địa phương vay nợ qua phát hành TPĐT, tập trung vào các nội dung: tiêu chuẩn (đô thị có dân số đến bao nhiêu mới được vay nợ, thẩm quyền vay); mục đích (không vay để bù đắp hụt chi thường xuyên, phân biệt khoản vay mục đích công cộng nhưng do tư nhân điều hành); phương pháp trả nợ, tiêu chuẩn bắt buộc về công khai thông tin (rủi ro, khả năng trả nợ, hiệu quả thu thuế và phí)...Trên cơ sở đó mới có thể xây dựng một chính sách quản lý nợ địa phương phù hợp.

Nhiều ý kiến thống nhất: chậm triển khai TPĐT gây thiệt thòi cho cơ hội phát triển, nhưng làm mà chưa hội đủ điều kiện thì có thể dẫn đến phá sản, mất uy tín...

(Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Mọi thành phần kinh tế đều có quyền kinh doanh quyền sử dụng đất (17/04/2003)
Giá xăng dầu thế giới thấp hơn giá bán lẻ trong nước (16/04/2003)
TP.HCM sẽ phân cấp thu thuế nhà đất cho quận huyện? (16/04/2003)
5 giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản (16/04/2003)
Kem Wall sẽ do Kinh Đô sản xuất (16/04/2003)
Hàng vạn công nhân lắp ráp xe máy mất việc (16/04/2003)
Làm gì để giải tỏa hàng ách tại cảng Hải Phòng? (16/04/2003)
Đăk Lăk có thêm một nhà máy chế biến bông (16/04/2003)
Thêm một DN du lịch 100% vốn nước ngoài (16/04/2003)
''Nhiều DN Việt Nam không biết bám thị trường'' (16/04/2003)
TP.HCM thành lập Trung tâm khai thác quỹ đất phục vụ đầu tư (16/04/2003)
Xây nhà ở nông thôn cũng cần giấy phép? (16/04/2003)
Nam Phi - thị trường triển vọng cho dệt may Việt Nam (16/04/2003)
''Phải có mạng lưới sản xuất giống'' (15/04/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang