(VietNamNet) - Trước khi Uỷ ban Thường vụ sẽ thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) để trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XI (ngày mai 18/4), VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực, người thay mặt Chính phủ trình Dự thảo luật này về một số vấn đề quan trọng của Dự thảo Luật.
- Thưa Bộ trưởng, có lẽ chưa có ở nước nào tình trạng mua bán đất ngầm (viết giấy trao tay không qua các cơ quan chức năng) lại diễn ra lộn xộn như ở nước ta hiện nay. Đây là do sự yếu kém trong công tác quản lý đất đai hay do sự tất yếu của quá trình đô thị hóa ở nước ta?
- Không thể nói là do sự tất yếu của quá trình đô thị hóa ở nước ta mà phải nói là do sự yếu kém trong công tác quản lý đất đai. Sự yếu kém đó thể hiện trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai, trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm. Công tác đăng ký đất đai nhìn chung còn mang nặng tính thủ công và chưa thiết lập thành hệ thống để qua đó có thể kiểm soát được sự chuyển dịch về quyền sử dụng đất. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm và có một số vướng mắc chưa được tháo gỡ cũng làm cho một bộ phận người sử dụng đất ít thiết tha với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến khi cần chuyển nhượng thì lại không đủ thủ tục để thông qua cơ quan Nhà nước. Mặt khác, việc chuyển mục đích sử dụng đất trái phép từ đất nông nghiệp sang đất ở, nhất là ở các vùng ven đô thị, cũng làm cho việc chuyển nhượng trao tay tăng lên.
- Giá đất ở các thành phố lớn, khu đô thị, đặt biệt là Hà Nội và TP.HCM thuộc loại cao nhất thế giới. Đây có phải là điều bất bình thường? Làm thế nào để đưa giá đất về gần giá trị thực tế của nó, thưa Bộ trưởng?
- Đúng là không bình thường. Để khắc phục sự không bình thường đó, chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp thuộc các lĩnh vực quản lý khác nhau, trong đó có đất đai. Riêng về lĩnh vực quản lý đất đai, trước hết cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm chủ động đáp ứng nhu cầu đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà ở và các nhu cầu khác trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tức là bảo đảm quan hệ cung- cầu về đất, không để mất cân đối về cung- cầu, cung không đáp ứng cầu, dẫn tới tăng giá đất. Một giải pháp rất quan trọng nữa là phải sử dụng công cụ về thuế để điều tiết thu nhập chuyển quyền sử dụng đất và hạn chế nạn đầu cơ về đất đang diễn ra phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư phát triển kinh tế, mở ra nhiều ngành nghề, hạn chế việc đầu tư vào đất.
- Tại hội nghị Trung ương bảy (lần 2), Trung ương đã khẳng định quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt và là một trong những yếu tố quan trọng của thị trường bất động sản. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết thị trường bất động sản ở nước ta sẽ được hình thành thế nào trong thời gian tới?
- Có thể nói một cách khái quát, thị trường bất động sản trong đó có quyền sử dụng đất mà chúng ta đang và sẽ xây dựng là một thị trường vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh bất động sản theo những quy định của Nhà nước, trong đó doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò nòng cốt. Nhà nước tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, tạo hành lang thông thoáng cho phát triển thị trường bất động sản, đồng thời quản lý chặt chẽ đất đai nhằm bảo đảm cho nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này được sử dụng có hiệu quả. Trước mắt, chúng ta sẽ tập trung phát triển thị trường bất động sản ở các đô thị và các vùng phát triển đô thị thông qua việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nhà chung cư theo quy hoạch.
- Thừa nhận đất đai là hàng hóa (dù là hàng hóa đặc biệt đi chăng nữa) thì người dân có quyền chuyển nhượng đất đai tự do. Liệu điều này có dẫn tới tình trạng đầu cơ đất không và làm sao để quản lý được vấn đề này?
- Việc chuyển quyền sử dụng đất đã được pháp luật hiện hành công nhận và trong thực tế thì việc giao dịch quyền đó đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng. Như vậy, không phải đợi đến lúc thừa nhận quyền sử dụng đất là hàng hóa đặc biệt thì việc chuyển nhượng mới diễn ra. Nạn đầu cơ đất đai thì cũng đã diễn ra với mức độ rất nghiêm trọng. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để việc giao dịch quyền sử dụng đất được diễn ra một cách công khai có sự kiểm soát của nhà nước, đồng thời khắc phục có hiệu quả tình trạng đầu cơ đất đai.
- Có một thực tế ở nước ta hiện nay là người dân thường mua quyền sử dụng đất bằng giấy tờ trao tay nên nhà nước thất thu một khoản thuế lớn. Thưa Bộ trưởng, làm thế nào để chống thất thu?
Biện pháp quan trọng nhất là phải tổ chức lại công tác đăng ký đất đai, xây dựng hệ thống đăng ký đất đai hiện đại. Trong hệ thống này, từng thửa đất đều phải được xác định giá đất qua mỗi lần đăng ký, và như vậy chúng ta sẽ kiểm soát được chênh lệch về thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất để áp dụng chính sách thuế. Trong Luật Đất đai (sửa đổi), việc đăng ký đất đai được coi như là một thủ tục bắt buộc đối với mọi đối tượng sử dụng đất.
- Tình trạng chuyển đất nông nghiệp sang đất ở hoặc xây dựng kết cấu hạ tầng đang diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các khu đô thị mới. Tình trạng này có dẫn tới khủng hoảng thiếu đất trồng trọt? Làm thế nào để điều chỉnh thực trạng này?
- Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tất yếu dẫn tới đòi hỏi tất yếu của việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất. Đất đai là loại tài nguyên có hạn, tăng diện tích cho lĩnh vực này thì phải giảm diện tích cho lĩnh vực khác. Tuy nhiên, việc tăng giảm phải theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước. Trong thời gian qua chúng ta đã làm như vậy cho nên đất chuyên dùng tăng mà đất nông nghiệp vẫn tăng. Chẳng hạn như từ năm 1996 đến năm 2000 đất chuyên dùng (đất xây dựng, đất giao thông, đất thuỷ lợi...) tăng hơn 260 ngàn ha nhưng đất nông nghiệp vẫn tăng hơn một triệu ba trăm ngàn ha. Sắp tới đây chúng ta phải làm tốt hơn vì diện tích đất chưa sử dụng ngày càng bị thu hẹp và thường nằm ở những vùng khó khăn.
- Theo thống kê của Thanh tra Nhà nước thì có tới 70 đến 80% các vụ khiếu kiện của người dân hiện nay là về lĩnh vực đất đai. Theo Bộ trưởng thì chúng ta phải điều chỉnh Luật Đất đai và phương pháp thực thi như thế nào để tháo gỡ vấn đề này?
- Luật Đất đai và tới đây là Luật Khiếu nại tố cáo sẽ được sửa đổi theo hướng tăng cường trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Uỷ ban nhân dân thì có quyền khởi kiện ra toà hành chính. Nhưng giải pháp quan trọng nhất và cơ bản nhất vẫn là ngăn chặn, hạn chế xảy ra khiếu nại. Muốn vậy, chúng ta phải sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai và liên quan đến đất đai, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tổ chức tốt việc thực hiện pháp luật; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai.
- Được biết Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thưa Bộ trưởng, hiện nay việc chuẩn bị Dự án Luật đất đai đã đến giai đoạn nào?
Dự án Luật đất hiện nay đã đến bản thảo thứ 7 . Ngày 7/4/2003, Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ngày 9/4/2003, Thường trực Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội đã nghe báo cáo và tiếp tục góp ý kiến về dự án Luật. Theo chương trình phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày mai, UB Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi gửi Dự án Luật đến các đại biểu Quốc hội.
- Quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo sửa đổi Luật lần này như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này được thực hiện theo các quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo sau đây: Một là, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc cơ bản mà Hiến pháp đã nêu là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, đồng thời thể chế hoá các quan điểm và chính sách đã được xác định trong nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Hai là, kế thừa những nội dung hợp lý của Luật Đất đai năm 1993 đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 1998 và năm 2001; luật hoá một số quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã được cuộc sống chấp nhận; đồng thời đưa vào Luật những nội dung mới cần sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất, bảo đảm tính ổn định của pháp luật. Ba là, gắn việc sửa đổi Luật Đất đai với việc đổi mới việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cải cách nền hành chính nhà nước. Luật Đất đai lần này phải bao quát được những nội dung cụ thể về quản lý và sử dụng đất đai để sau khi ban hành, Luật sớm đi vào cuộc sống và giảm những nội dung hướng dẫn thi hành Luật./.
|