|
Nhiều hoạt động của châu Á ngừng trệ vì SARS. |
(VietNamNet) - Hongkong, xuất phát điểm của SARS, chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Từ đầu tháng 4, các khách sạn lớn chỉ lấp đầy được 10-15% số phòng. 60-90% số tour du lịch của các công ty lữ hành bị huỷ bỏ. Khu vực bán lẻ ít bị ''xây xát'' hơn, nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết, doanh số đang giảm ít nhất 20% so với bình thường.
|
Morgan Stanley thay đổi dự báo về tăng trưởng kinh tế châu Á vì SARS. |
Trong tháng 3, số du khách đến Singapore, một trong những ''thiên đường du lịch'' của khu vực, cũng giảm 14,8%. Đây là một thiệt hại đáng kể, bởi du lịch mang lại 6% GDP của nước này. Tỷ lệ đặt phòng của các khách sạn chỉ đạt khoảng 30%.
Trung Quốc, quốc gia có nhiều người nhiễm SARS nhất, xem ra lại không mấy lo lắng về nền kinh tế của mình. Theo đánh giá của các chuyên gia Pháp, nếu dịch bệch được khống chế nhanh chóng, Trung Quốc có thể dễ dàng khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng sức mạnh không thể phủ nhận, được duy trì suốt mấy năm qua. Số liệu của Morgan Sanley cũng cho thấy, trong khi tốc độ tăng trưởng của các quốc gia khác có thể giảm tới 1% thì Trung Quốc chỉ giảm 0,5%.
Tại Việt Nam, các khách sạn sang trọng bị thiệt hại nặng nề nhất vì ''sát thủ'' SARS. Chỉ 66% số phòng khách sạn có khách thuê trong tháng 3, trong khi tỷ lệ thông thường là 85-95%. Theo các chuyên gia Pháp, ảnh hưởng của SARS đến nền kinh tế Việt Nam còn mạnh mẽ hơn cuộc chiến Iraq. Ngay cả lĩnh vực đầu tư nước ngoài cũng không tránh khỏi trận cuồng phong: cả số dự án của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và dự án của Việt Nam đầu tư sang nước khác đều giảm sút. Hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư ở Việt Nam bị huỷ bỏ vì SARS.
Hàng không đối mặt với thử thách kinh hoàng
Thật không quá khi dùng từ ''kinh hoàng'' để nói về những gì mà SARS gây ra cho ngành hàng không của khu vực. Cùng với cuộc chiến Iraq, SARS đang gây ra sự sụt giảm không thể tưởng tượng nổi của số khách đi máy bay từ/đến các nước châu Á, khiến hàng loạt hãng hàng không lớn phải huỷ bỏ chuyến bay của mình. Tại Việt Nam, hãng Cathay Pacific, trước đây có tới 2 chuyến bay/ngày tới Hongkong, nay phải giảm một nửa. Vietnam Airlines thì thông báo mất 15% khách hàng trong khoảng ngày 14/3 đến ngày 15/4.
Đương đầu với dịch SARS và chiến tranh Iraq, hãng hàng không Singapore Airlines (SIA) quyết định cắt giảm 13,6% công suất phục vụ, xuống còn 125 chuyến/tuần. Kế hoạch mua máy bay mới được đưa ra hồi đầu năm, dự kiến hoàn thành vào cuối quý I, nay cũng buộc phải hoãn vô thời hạn.
Australia, một quốc gia không ở tâm của ''cơn bão SARS'' cũng đang bị lôi vào vòng xoáy. Hãng hàng không Qantas đau đầu vì sự vắng bóng của 20% số khách quốc tế, đành cắt giảm 1.400 chỗ làm, đẩy số nhân viên này ra đường.
Nhiều hãng hàng không khác của Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, vừa ký hiệp định hàng không với Trung Quốc, nay đã phải chứng kiến hậu quả (thay vì kết quả như họ mong đợi). Các chuyến bay đến Trung Quốc và Hongkong chiếm tới 15% số chuyến bay quốc tế của Malaysia Airlines, nên hiện hãng này đang rất thừa chỗ và thiếu khách.
Nếu như các hãng hàng không châu Á gần như bình an vô sự sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, từng khiến cả thế giới rung động và hàng không Âu - Mỹ lao đao, thì nay chỉ vài con virus nhỏ nhoi cũng đang làm các chàng khổng lồ châu Á phải điêu đứng.
|