(VietNamNet) - 7 triệu tấn lương thực là số lượng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) phải đạt được hàng năm, trong đó, 1,5-2,5 triệu tấn là lương thực hàng hóa và xuất khẩu. Đó là nhận định của Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, tại hội thảo về quy hoạch chuyển đổi cơ cấu nông lâm nghiệp ĐBSH, do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 14/4, tại Hà Nội.
Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp dự báo, tới năm 2010, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp vùng ĐBSH sẽ đạt 4-4,5%, cơ cấu trồng trọt 60-65%, chăn nuôi 35-40%. Ngành nuôi trong thuỷ sản có tốc độ tăng trưởng nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. 80-90% diện tích sản xuất hiệu quả thấp vùng ven biển được chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, tạo khu vực có quy mô tập trung chuyên canh.
Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cho rằng, nếu so với tất cả các vùng trong nước, ĐBSH có lợi thế vượt trội về hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đó là hệ thống các công trình thuỷ lợi khá hoàn chỉnh; hệ thống giao thông, bến cảng tiện lợi; hệ thống thông tin hiện đại; hệ thống các trạm trại kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản và các trường đại học, viện nghiên cứu rất tập trung. Đó là lợi thế mà các vùng khác trong thời gian ngắn không thể theo kịp.
Bên cạnh đó, ĐBSH cũng được đầu tư một cách có hệ thống. Theo kế hoạch, thời gian tới, trên địa bàn vùng sẽ đầu tư xây dựng nhiều công trình chế biến nông, thuỷ sản; trong đó, tập trung vào các cơ sở chế biến thuỷ sản ven biển quy mô vừa, gắn với các vùng nuôi trồng. Các cơ sở chế biến thịt lợn xuất khẩu công suất vừa và nhỏ ở các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình. Các cơ sở chế biến rau quả ở Ninh Bình, Vĩnh Phúc và cơ sở chế biến thức ăn gia súc lớn ở các tỉnh.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay mà ĐBSH gặp phải là sự biến mất dần đất nông nghiệp. Quy hoạch các ngành dự báo, do phát triển đô thị và các khu công nghiệp, dịch vụ, ĐBSH sẽ bị mất 38.000-40.000ha đất nông nghiệp vào năm 2010, chủ yếu là đất hai vụ lúa và đất lúa màu. TP. Hà Nội và Hải Phòng là hai địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị mất nhiều nhất.
Do vậy, việc chuyển đổi cơ cấu phải chuyển mạnh được sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, đa dạng và cơ cấu hợp lý các loại sản phẩm có chất lượng, giá trị lớn, phù hợp với nền kinh tế thị trường, gồm các mặt hàng chủ yếu: lúa, ngô, rau, hoa, cây công nghiệp ngắn ngày, lợn, gia cầm, thuỷ sản. Tăng giá trị sản xuất nông nghiệp (nông nghiệp + thuỷ sản)/ha đất nông nghiệp từ 34-35 triệu đồng hiện nay lên 40-42 triệu đồng (2005) và 52-55 triệu đồng (2010).
Về chăn nuôi, do đàn lợn tại ĐBSH có tốc độ tăng trưởng nhanh, trên 7,5%/năm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2010 đạt 1,1 triệu tấn nên tại đây sẽ xây các xí nghiệp giết mổ, chế biến thịt lợn công nghiệp và hệ thống bán thịt sạch để tạo thị trường tiêu thụ. Dự kiến đến 2010, ĐBSH lắp đặt thêm 23 nhà máy chế biến thịt lợn xuất khẩu (công suất mỗi nhà máy trung bình 2.000-2500 tấn/năm), nâng tổng công suất chế biến thịt lợn xuất khẩu từ 25.700 tấn hiện nay lên 110.000 tấn năm 2010.
Viện Quy hoạch và kinh tế nông nghiệp cũng trình bày quy hoạch chuyển đổi sản xuất nông, lâm nghiệp vùng Bắc Trung Bộ. Theo đó, Bắc Trung Bộ có cơ cấu nông - lâm nghiệp - thuỷ sản là 65-10-25%. Tốc độ phát triển toàn ngành 4,5-5%/năm, trong đó, trồng trọt 70%, chăn nuôi 30%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản đạt 800 triệu USD. Giá trị sản xuất 1ha đất nông nghiệp lên 25 triệu đồng/ha (2005) và 35 triệu đồng/ha (2010).
|