(VietNamNet) - Đó là kiến nghị của Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp khai mạc sáng nay (14/4). Đây là phiên họp cuối cùng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XI khai mạc.
|
Xe có giá trên 15 triệu đồng sẽ chịu thuế TTĐB? |
Để góp phần hạn chế số lượng xe máy hiện hành, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng có thu nhập thấp dùng xe máy làm phương tiện sinh sống, Chính phủ đề nghị trước mắt chưa thu thuế TTĐB đối với xe máy có giá bán dưới 15 triệu đồng, chỉ thu thuế TTĐB đối với xe máy có giá bán từ 15 triệu đồng trở lên. Để điều tiết thu nhập phù hợp với đối tượng tiêu dùng, Chính phủ đề nghị áp dụng 2 mức thuế suất: Xe có giá bán từ 15 đến 30 triệu đồng/chiếc chịu thuế suất 20%. Xe có giá bán trên 30 triệu đồng/chiếc trở lên chịu thuế suất 50%.
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội đề nghị: xe có giá bán dưới 25 triệu đồng không thu thuế TTĐB, xe có giá bán từ 25triệu đồng đến 35 triệu đồng thu thuế TTĐB theo thuế suất 20%, xe có giá bán trên 35 triệu đồng áp dụng thuế suất thuế TTĐB 50%.
Hiện, Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn tiếp tục bàn bạc để đi đến ý kiến cuối cùng cho vấn đề nóng này.
Hạ 5% thuế suất để ''đỡ'' ngành mía đường
Trình UBTV Quốc hội sáng nay, Chính phủ cho rằng nên bổ sung thuế suất 5% đối với mặt hàng đường và các loại sản phẩm in.
Mặt hàng đường hiện đang áp dụng thuế suất 10% sẽ được giảm một nửa. Việc làm này, theo Chính phủ, nhằm giảm bớt khó khăn cho cơ sở sản xuất đường. Bởi nhiều cơ sở sản xuất đường vẫn bị lỗ, chưa nộp đủ mức thuế GTGT. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở sản xuất đường có thời gian củng cố sản xuất chấn chỉnh quản lý, ổn định phát triển trong các năm tới.
Bên cạnh đó, chuyển các sản phẩm in từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế GTGT. Có một số ý kiến đề nghị điều chỉnh các sản phẩm dệt, may, thêu ren, gốm, sứ, thuỷ tinh, bánh kẹo, đường, sữa, dây điện từ, gạch ngói... đang áp dụng thuế suất 10% xuống áp dụng thuế suất 5%. Nhưng do các cơ sở kinh doanh các mặt hàng này hiện nay vẫn nộp đủ thuế, có lãi, để đảm bảo thu NSNN, thực hiện lộ trình tiến tới áp dụng một mức thuế suất 10%, Chính phủ đề nghị không mở rộng đối tượng áp dụng thuế suất 5% đối với các hàng hóa trên.
Về khấu trừ thuế GTGT: Để tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh khấu trừ và hoàn thuế đối với một số trường hợp xuất khẩu hàng hoá nhưng không thể thanh toán qua ngân hàng, Chính phủ bổ sung vào dự thảo mới: ''Thực hiện thanh toán qua ngân hàng trừ trường hợp xuất khẩu thanh toán theo hình thức hàng đổi hàng, trả nợ cho nhà nước và một số trường hợp thanh toán đặc thù do Chính phủ quy định''.
Ôtô sẽ chịu mức thuế nào?
Đối với ôtô, theo quy định của Luật thuế TTĐB hiện hành, ôtô dưới 24 chỗ ngồi áp dụng mức thuế suất: 100%, 60%, 30%, nhưng đối với ôtô sản xuất trong nước giảm đến 95% thuế TTDB phải nộp, thuế suất thực tế áp dụng là 5%, 3% và 1,5%, từ năm 2003 hết thời hạn giảm thuế, nay do phải chịu thêm thuế GTGT thuế suất 10%. Đồng thời để giảm bảo hộ sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với bộ linh kiện nhập khẩu trong các năm tới tăng bình quân 5%/năm thì thuế TTDB phải nộp đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tăng nhiều so với hiện hành, tác động lớn đến giả cả, quan hệ cung cầu của ôtô và hiệu quả SXKD của doanh nghiệp.
Để khuyến khích nội địa hóa sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước theo chiến lược phát triển ngành sản xuất ôtô đến năm 2010, tạo điều kiện cho cơ sở kinh doanh chuyển đổi, thích nghi dần, không gây tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thuế suất của ôtô cụ thể như sau: Ôtô từ 5 chỗ ngồi xuống: thuế suất hiện hành 100%, đề nghị điều chỉnh xuống mức 80%; Ôtô 6-15 chỗ ngồi: thuế suất hiện hành 60%, đề nghị điều chỉnh xuống mức 50%; Ôtô 16-24 chỗ ngồi: thuế suất hiện hành 30%, đề nghị điều chỉnh xuống mức 25% .
Đồng thời đề nghị sửa đổi quy định giảm thuế TTĐB đối với cơ sở sản xuất lắp ráp ôtô theo lộ trình: Cơ sở lắp ráp, sản xuất ôtô được giảm mức thuế TTĐB quy định tại khoản 2 Điều 1 của Luật này như sau: Năm 2004 giảm 70%; Năm 2005 giảm 50%; Năm 2006 giảm 30% và từ năm 2007 nộp đúng thuế suất quy định. Một số ý kiến đề nghị khi đưa hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB vào diện chịu thuế GTGT 10% thì tổng mức điều tiết cả hai loại về thuế GTGT và thuế TTDB tương ứng với mức điều tiết hiện hành; riêng đối với các hàng hoá, dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng hoặc có điều kiện điều tiết thu nhập, cần điều chỉnh tăng mức thuế suất để điều tiết, hạn chế tiêu dùng như: thuốc lá, rượu bài lá, vàng mã, matxa, karaoke, casino.
Chính phủ giải trình như sau: Do Luật thuế GTGT bổ sung hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB vào đối tượng chịu thuế GTGT áp dụng thuế suất 10%, vì vậy thuế suất thuế TTĐB đã được thiết kế theo nguyên tắc: tổng số thu về thuế TTĐB, GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB không tăng so với trước đây. Tuy nhiên, thuế suất áp dụng đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB có mức tăng, giảm khác nhau, cụ thể:
Nhóm có điều chỉnh tăng thu (bao gồm thuế TTĐB và GTGT): các hàng hoá, dịch vụ cần hạn chế tiêu dùng như thuốc lá, rượu, bia chai, bia hộp, bia tươi, bài lá, vàng mã, casino, massage, karaoke, giải trí có đặt cược, mức tăng thu khoảng 10% so với Luật hiện hành. Vì vậy, giữ nguyên mức thuế suất thuế TTDB từ 5% đến 10% hiện hành áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ này, đồng thời sẽ tăng thu về thuế GTGT do bổ sung vào đối tượng chịu thuế GTGT. Trong đó, bia hộp thuế suất hiện hành áp dụng là 65%, giá tính thuế không trừ vỏ hộp. Nay sửa đổi áp dụng thuế suất 75% thống nhất với bia chai, bia tươi và đước loại trừ giá trị vỏ hộp.
Tăng thu đối với các hàng hoá, dịch vụ này nhằm bù đắp một phần giảm thu trong thời gian tới do phải cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình hội nhập, bãi bỏ và giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí; thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất trong hạn điền; điều chỉnh giảm thuế suất huế thu nhập doanh nghiệp, bỏ thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài do sửa đổi Luật thuế thu nhập lần này.
Nhóm không tăng thu (bao gồm thuế TTĐB và GTGT): bao gồm điều hòa nhiệt độ, xăng, kinh doanh xổ số.
Nhóm giảm thu (bao gồm thuế TTDB và GTGT): Kinh doanh sân golf hiện áp dụng thuế suất thuế TTDB 20% nhưng được giảm thuế 30% đến hết năm 2001, thực nộp chỉ 14%. Hiện nay các sân golf đều bị lỗ, nay bổ sung vào đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10%. Để giải quyết khó khăn cho các sân golf, tạo môi trường thu hút đầu tư, dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB hiện hành từ 20% xuống l0%.
Bia hơi có thuế suất thuế TTDB hiện hành là 50%, nay chịu thêm thuế GTGT 10%; các cơ sản xuất bia có quy mô nhỏ (chủ yếu là sản xuất bia hơi), hiện nay trên 60% cơ sở sản xuất bia này bị lỗ: dự kiến luật sửa đổi bỏ quy định giảm thuế. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh thuế suất từ 50% xuống 40%.
Về giá tính thuế. Khoản 6 Điều 6 của Luật hiện hành quy định: giá tính thuế TTĐB đối với rượu sản xuất trong nước do Chính phủ quy định. Luật sửa đổi dự kiến bia hộp, bia chai áp dụng thống nhất thuế suất (75%) và giá tính thuế được loại trừ giá trị vỏ hộp, vỏ chai nên cần đưa thêm mặt hàng bia hộp vào Khoản 6 này được bổ sung như sau: ''Giá tính thuế đối với rượu, bia sản xuất trong nước, kinh doanh casino, trò chơi bằng máy, kinh doanh golf, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt do Chính phủ quy định cụ thể''.
Về thuế thu nhập DN, đến nay hầu hết các Đại biểu Quốc hội đều thống nhất ý kiến áp dụng thuế suất 28%. Chính phủ đề nghị bỏ quy định miễn, giảm thuế cho các cơ sở kinh doanh sử dụng nhiều lao động nữ nhưng sẽ bổ sung vào trường hợp ưu đãi về thuế suất đối với cơ sở kinh doanh sử dụng nhiều lao động nữ.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT), Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
|