Mới đây, Bộ KH-ĐT có ban hành Quyết định 36/2003 về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp. Thật khó hiểu vì sao một văn bản pháp quy hẳn hoi, lại "xung đột" liểng xiểng với Luật Doanh nghiệp, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và cả Luật Hợp tác xã.
Thứ nhất là xung đột về mặt pháp lý với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định 51/1999. Theo Quyết định 36 thì "nhà đầu tư nước ngoài" bao gồm cả đối tượng là người nước ngoài thường trú tại Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) chỉ được góp vốn, hay mua cổ phần tối đa bằng 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó Luật Khuyến khích đầu tư trong nước và Nghị định 51 hướng dẫn thi hành luật này "cởi mở" hơn, cho phép hai đối tượng trên được quyền thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hoặc theo Luật Hợp tác xã, tức là có thể sở hữu 100% vốn.
Thực tế đã có nhiều Việt kiều thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH mà họ chiếm đa số vốn như ông Đinh Đức Hữu, Việt kiều Mỹ, đã mở nhiều công ty ở Lào Cai, Hà Tây, Quảng Ninh, Hà Tĩnh....
Thứ hai là xung đột với Luật Doanh nghiệp. Rõ ràng Luật Doanh nghiệp quy định tổ chức nước ngoài, người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam không được quyền thành lập, và quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Do vậy, những người này không thể là thành viên góp vốn vào công ty TNHH có hai thành viên trở lên, vì nếu được góp vốn họ sẽ trở thành người quản lý doanh nghiệp. Trong khi đó, Quyết định 36 lại cho họ góp vốn vào công ty TNHH có hai thành viên trở lên với mức tối đa bằng 30%.
Hơn nữa, theo Quyết định 36 thì các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng quyền lợi như các cổ đông hoặc thành viên khác là người Việt Nam trong công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, liên hiệp HTX hay HTX. Như vậy, nội dung này mâu thuẫn với việc họ bị khống chế mức góp vốn 30% trong khi công dân Việt Nam không bị hạn chế này.
Thứ ba là xung đột với Luật HTX. Theo Luật HTX hiện hành, xã viên trong HTX chỉ là công dân Việt Nam, không có thành phần nào khác; còn trong liên hiệp HTX chỉ là công dân Việt Nam, không có thành phần nào khác; còn trong liên hiệp HTX thì chỉ có các HTX, không có cá nhân, kể cả công dân Việt Nam. Trong khi đó, điều 3 của Quyết định 36 lại cho phép nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào HTX và liên hiệp HTX. Như vậy, quy định này trái với Luật HTX. Mà theo Luật ban hành các văn bản pháp luật, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Như thế quyết định 36 về nội dung này trở nên vô hiệu vì trái với Luật HTX.
Ở đây chưa nói đến khía cạnh "cởi mở" hay "siết chặt" của chính sách, mà chỉ bàn đến sự xung đột giữa các văn bản pháp quy. Điều đó cho thấy các nhà làm chính sách nhiều khi đã không xem xét một cách có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nên hết chồng chéo, trùng lắp rồi lại đá nhau, mâu thuẫn thật khổ cho dân, cho doanh nghiệp, chẳng biết đâu mà lần.
(Theo Tuổi Trẻ) |