Chợ sẽ được mở cửa hàng ngày, từ 6h đến 12h. Cà phê bán tại đây sẽ được kiểm phẩm tại chỗ, trên cơ sở chất lượng, giá sàn để định giá. Bộ phận khuyến nông, căn cứ vào chất lượng lô hàng, có thể đưa ra khuyến cáo về tình hình chăm sóc, thu hái, chế biến cà phê với nông dân. Bộ phận kho có thể nhận ký gửi để nông dân không phải mang về khi hàng chưa bán được.
Theo ông Lý Thanh Tùng - Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Đăk Lăk, đây là một phương thức tiêu thụ cà phê mới sắp được tổ chức tại tỉnh này.
Hiện nay, Đăk Lăk có khoảng 250.000ha cà phê, cho sản lượng trên 400.000 tấn nhân/năm, chiếm trên 60% sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cà phê lâu nay vẫn theo phương thức "bán lô, bán mớ", chưa có sự thống nhất. Đây là một điểm yếu đã tồn tại từ rất nhiều năm, gây nhiều thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh cà phê ở Đăk Lăk.
Do vậy, ông Lý Thanh Tùng cho biết, chợ cà phê Buôn Ma Thuột sẽ có ban quản lý, có bộ phận mậu dịch (quản lý giá cả, khối lượng trao đổi... ), khuyến nông, kiểm phẩm, nhà kho để nông dân ký gửi hàng. Ban quản lý chợ chịu sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, ngành thương mại, trung tâm khuyến nông và xúc tiến thương mại (thuộc Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam). ''Chợ sẽ giúp người sản xuất cà phê tại Đăk Lăk tránh bị ép giá, đồng thời, tạo sự thống nhất trong quản lý về giá cả và chất lượng cà phê khi lưu thông. Nơi đây sẽ thực hiện buôn bán công khai, tập trung, diễn ra trực tiếp giữa người mua và người bán, dưới sự chỉ đạo tập trung của cơ quan quản lý, tránh những thỏa thuận riêng về giá cả có hại cho cộng đồng'', ông Tùng nói.
Dự kiến, kinh phí hoạt động cho ban quản lý chợ sẽ được xây dựng qua nguồn quỹ hỗ trợ xúc tiến thương mại (Trung tâm xúc tiến thương mại); thu phí (khoảng 0,2% giá trị lô hàng); thu từ kho ký gửi theo số lượng và thời gian, cùng một số dịch vụ khác.
(Theo Lao Động) |