Bộ Thương mại vừa yêu cầu 4 doanh nghiệp (DN) kinh doanh lúa gạo không ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài để xuất khẩu gạo loại 25% tấm sang thị trường Philippines, trong trường hợp đã ký hợp đồng phải hủy bỏ việc giao hàng. Yêu cầu này đã gây ''sốc'' cho nhiều DN tham gia xuất khẩu gạo.
|
Xếp dỡ gạo tại cảng Sài Gòn. |
Bộ Thương mại vừa có công văn số 0751 TM/XNK do Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu ký gửi 4 doanh nghiệp (DN) kinh doanh lúa gạo: Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang, Công ty Thương nghiệp Xuất nhập khẩu Tổng hợp Đồng Tháp và Công ty Lương thực Vĩnh Phúc.
Công văn yêu cầu các DN này... ''không ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài để xuất khẩu gạo loại 25% tấm sang thị trường Philippines, trong trường hợp đã ký hợp đồng phải hủy bỏ việc giao hàng...".
Thông báo này được ban hành sau khi Tổng công ty Lương thực Miền Nam (VINAFOOD II) trúng thầu cung cấp 187.000 tấn gạo 25% tấm cho Chính phủ Philippines. Tham gia đấu thầu còn có một DN của Malaysia và Công ty Toepfer International cũng trúng thầu cung cấp 50.000 tấn gạo 25% tấn. Để có hàng giao cho phía Philippines, hai DN này đã ký hợp đồng mua 50.000 tấn gạo của 4 DN Việt Nam nói trên. Bộ Thương mại cho rằng, mục đích của chỉ thị này là ''để đảm bảo việc cung cấp gạo loại 25% tấm cho Philippines theo hợp đồng trúng thầu của VINAFOOD II, đồng thời giữ ổn định thị trường lúa gạo nội địa và đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các DN tham gia''.
Sau khi ban hành, công văn trên đã gây ''sốc'' cho nhiều DN tham gia xuất khẩu gạo. Giám đốc một DN cho rằng, trước đây, khi còn khó khăn, Chính phủ phải ''đi chạy'' hợp đồng xuất khẩu gạo cho các DN, nay tự thân DN chủ động tìm kiếm thị trường thì lại bị... cấm. Nhiều DN đặt câu hỏi, đây có phải là biện pháp hữu hiệu để giữ ổn định thị trường lúa gạo trong nước hay lại là cơ hội độc quyền cho một vài DN trong kinh doanh xuất khẩu gạo? Điều đáng nói hơn là khi không có sự cạnh tranh về giá trong thu mua, người bị thiệt lại vẫn là nông dân.
(Theo NLĐ) |