Trong tuyên bố chung sau cuộc họp vừa qua tại TP.HCM, Liên đoàn Nuôi trồng thủy sản ASEAN đã chỉ trích việc EU áp đặt "mức dư lượng bằng 0" đối với hai chất kháng sinh chloramphenicol, nitrofurans trong tôm là không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, và là một kiểu hàng rào phi thuế quan. Các biện pháp trả đũa có thể bao gồm tiêu hủy sản phẩm từ EU có xét nghiệm dương tính với hai chất kháng sinh trên. Và đây là cách Trung Quốc đã làm.
Với quy định mức dư lượng kháng sinh trong tôm nhập khẩu phải bằng 0, tất cả các lô tôm có dư lượng kháng sinh đều sẽ bị hủy vô điều kiện tại cảng đến của EU. Tuy nhiên, tuyên bố chung của AAF nêu rõ: "Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bên nhập khẩu không có quyền hủy sản phẩm của các nước khác, nếu trước đó không nhận được sự đồng ý của bên xuất".
AAF gồm các nhà chế biến và xuất khẩu tôm của năm nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) là đại diện của Việt Nam tại AAF. |
Đại diện các nước thành viên AAF đã thống nhất sẽ trả đũa bằng cách cố gắng cấm xuất khẩu tôm sang EU, cho đến khi Cơ quan Thực phẩm EU nới lỏng các hạn chế. Đồng thời, họ sẽ thúc giục Chính phủ nước mình kiểm soát mạnh tay hơn với mọi hàng hóa nhập khẩu, nhất là lương thực, thực phẩm từ EU.
Trước đó, trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur, ông Syed Omar Syed Jaafar, chủ tịch AAF thông báo, AAF dự định sẽ thuê luật sư để kiện EU và các cảng của EU. Ông cũng cho biết, các nước ASEAN đang thảo luận về việc thành lập một tổ chức tên gọi CODAX. Cơ quan thực phẩm này sẽ cho ra một tiêu chuẩn chung, và tiêu chuẩn đó sẽ được EU, Mỹ và Nhật Bản công nhận.
(Thanh Hương - Theo Bưu điện Bangkok và eFeedLink) |