Tại cuộc họp ngày 1/4 phiên thường kỳ tháng 3, Chính phủ đánh giá, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu kế hoạch đạt được mức cao. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15%, hoạt động dịch vụ tăng 7,1%, kim ngạch xuất khẩu tăng 43%, nguồn lực phát triển được huy động nhiều hơn trước, chiếm 34,7% GDP.
Đó là dấu hiệu khả quan trong khi chúng ta phải đối mặt nhiều khó khăn: thời tiết khô hạn trên diện rộng, đặc biệt ở một số tỉnh Tây Nguyên và miền Trung, nguy cơ cháy rừng cao; giá cả thị trường thế giới biến động, giá một số nguyên vật liệu tăng; chiến tranh tại Iraq gây tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta, nhất là hoạt động xuất khẩu. Tại phiên họp, Chính phủ đã bàn một số biện pháp cấp bách để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì nhịp độ tăng trưởng những tháng tới.
Thủ tướng Phan Văn Khải đã yêu cầu từng thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy các kết quả đã đạt được trong quý I, bám sát tình hình thực tiễn, chỉ đạo, điều hành kiên quyết, linh hoạt trong từng lĩnh vực công tác để vượt khó khăn, thách thức mới, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các biện pháp đã được Chính phủ quyết định tại phiên họp này.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện tốt các biện pháp nhằm giữ ổn định nền kinh tế; xử lý tốt biến động về giá, tỷ giá, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tìm thị trường mới, bảo đảm nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới.
Tại phiên hợp, Chính phủ cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc trình dự án Luật DNNN (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi); lãnh đạo Bộ Nội vụ trình dự án Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi), Luật Bầu cử HĐND (sửa đổi) và Luật Thi đua khen thưởng; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về các dự án luật nói trên.
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, góp nhiều ý kiến cụ thể về các dự án luật trên, thống nhất giao cho cơ quan chủ trì tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Quốc hội.
(Theo Lao Động) |