Mekong - dòng sông còn đang ngủ
07:37' 01/04/2003 (GMT+7)
Bao giờ dòng sông được đánh thức?

(VietNamNet) - Tại Diễn đàn Du lịch Mekong lần thứ 8 vừa được tổ chức tại Hà Nội, đại diện sáu quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong (GMS) đều cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch trong tiểu vùng là rất lớn. Nhưng họ cũng công nhận, tiềm năng đó mới chỉ được đánh giá cao trên văn bản, và vẫn ngủ yên trên thực tế.

Trở ngại được nhắc tới nhiều nhất là cơ sở hạ tầng. Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và cả Thái Lan vốn không phải là các nước được đánh giá cao về phương diện này; bên cạnh đó, cần kể đến những khác biệt lớn trong hệ thống đường sắt, đường bộ và đường thủy.

GMS gồm sáu nước: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc (tỉnh Vân Nam). Năm 2002, hơn 16,2 triệu du khách đã đến với các nước thành viên GMS, tăng 8,6% so với năm 2001. Thái Lan vẫn là nước được ưa chuộng nhất, với 10,8 triệu lượt khách, tăng 7,31% so với năm 2001. Tiếp đến là Việt Nam, 2,63 triệu lượt, tăng 12,79%. Tỉnh Vân Nam của Trung Quốc cũng đón được 1,3 triệu lượt khách, tăng 13,35%...

Khách du lịch chủ yếu đến từ các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong vài năm tới, rất có thể nhiều thay đổi sẽ diễn ra, khi hàng tỷ USD đang được chi cho nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý nhất là hai dự án xây dựng mạng lưới đường cao tốc mang tên Hành lang kinh tế Bắc-Nam và Hành lang kinh tế Đông-Tây. Trong đó, Hành lang kinh tế Bắc-Nam sẽ nối Singapore với Côn Minh, qua Malaysia và Thái Lan; Hành lang kinh tế Đông-Tây sẽ nối Myanmar và Việt Nam, qua Thái Lan và Lào. Toàn khu vực sẽ được kết nối bởi một mạng lưới đường cao tốc, tương tự như ở châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng để đến được ngày đó, GMS còn phải chờ vài năm.

Trở ngại thứ hai là tính tương đồng cao về văn hóa-xã hội, dẫn đến sự tương đồng trong sản phẩm du lịch, gây nhàm chán cho du khách khi đi tour xuyên quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa là tính cạnh tranh giữa các nước trong lĩnh vực du lịch là rất cao. Trên thực tế, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)... là những đối thủ trực tiếp. Theo ý kiến của diễn giả Anthony Wong (Malaysia), mỗi nơi cần tìm ra sự khác biệt của riêng mình, và biến chúng thành lợi thế.

Thủ tục xuất nhập cảnh không được coi là vấn đề lớn. Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN tháng 1 vừa qua, 10 nước ASEAN đã thống nhất cố gắng đưa ASEAN trở thành khu vực miễn thị thực nhập cảnh vào năm 2005. Điều đó có nghĩa là công dân một nước ASEAN có thể di chuyển trong 9 nước còn lại mà không cần thị thực. Ông Mana Chobthum, Giám đốc Cơ quan điều phối các hoạt động du lịch Tiểu vùng nhận xét, các nước sẽ phải cân nhắc nhiều vấn đề như an ninh, quốc phòng...; nhưng nếu cam kết này biến thành sự thật, đây sẽ là bước tiến dài.

Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác một cách bài bản, liên tục giữa các nước trong hoạt động quảng bá, tiếp thị du lịch. Nhưng ngay trong diễn đàn, dễ dàng nhận thấy là những diễn giả đến từ các nước thành viên chỉ chú ý nói hay, nói tốt cho mình, mà quên mất chủ đề của diễn đàn là du lịch Mekong. Rõ ràng, du lịch tiểu vùng còn gặp một trở ngại lớn nữa. Đó là nhận thức thực sự của các nước thành viên.

  • Đặng Hương
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
VietNamNet - Để 'bán' sông Mekong hiệu quả hơn
CÁC TIN KHÁC:
Cấp mã số cho DN trong 3 ngày (01/04/2003)
Măng - cung không đủ cầu (01/04/2003)
Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam 79,33 tỷ yen (31/03/2003)
Ở nhà chung cư, chất lượng chỉ là thứ yếu? (31/03/2003)
Vì sao 24 hộ ở Chợ Đồng Xuân ngừng kinh doanh? (31/03/2003)
Người nước ngoài chưa được nắm giữ 30% cổ phiếu niêm yết (31/03/2003)
Manulife Việt Nam bắt đầu có lãi (31/03/2003)
Mới ưu đãi trên giấy cho kinh tế trang trại (31/03/2003)
Xuất khẩu gạo có dấu hiệu ngưng trệ (31/03/2003)
Siết chặt kiểm dịch hàng thuỷ sản XNK (31/03/2003)
Vietnam Airlines mất 15% khách (31/03/2003)
''DN nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực dân chưa làm được'' (31/03/2003)
VSAT thoát hiểm (30/03/2003)
DN bia, rượu bị ''sốc'' vì tăng thuế (30/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang