|
Có nhiều lĩnh vực dân đầu tư hiệu quả hơn Nhà nước. |
Dự thảo Luật Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sửa đổi đang được các cơ quan quản lý hoàn chỉnh. Một trong những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi là việc bán DNNN. Ông Cao Bá Khoát, thành viên Ban đổi mới DNNN của Chính phủ trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- Việc cải cách DNNN bằng việc chuyển đổi sở hữu thông qua các hình thức cổ phần hóa, giao, bán DNNN có làm kinh tế Nhà nước yếu đi hay không?
- Dĩ nhiên là không. Nói đến kinh tế nhà nước là nói đến tổng thể tiềm lực kinh tế do Nhà nước quản lý, gồm tiềm lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng, các DNNN đang hoạt động, nguồn nhân lực và ngân sách nhà nước. Dù có vị thế quan trọng, DNNN chỉ là một bộ phận nhỏ trong các thành tố kinh tế nhà nước mà Nhà nước đã kỳ vọng dùng tiền từ ngân sách đầu tư để thu lợi ích.
- Việc chuyển đổi các DNNN tác động tới ngân sách Nhà nước như thế nào?
- Mô hình hiện nay là Nhà nước cấp vốn cho DNNN. Nếu DNNN kinh doanh có lãi thì nộp thuế cho Nhà nước, nếu lỗ thì Nhà nước phải bù. Bài toán tối ưu là: Nhà nước đầu tư ít nhất nhưng thu lợi nhiều nhất, nhằm tăng thu ngân sách và giải quyết nhiều lao động.
- Vậy Nhà nước sẽ đầu tư vào đâu để có hiệu quả cao nhất?
- Nhà nước lựa chọn mục tiêu đầu tư theo nguyên tắc: chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà dân chưa làm được hoặc không muốn làm, nhưng vì lợi ích chung của xã hội thì Nhà nước phải làm. Với chủ trương này, chuyển đổi DNNN là một biện pháp để xã hội hóa đầu tư.
- Việc chuyển đổi DNNN sẽ mang lại lợi ích như thế nào?
- Thứ nhất, Nhà nước thu được tiền từ việc chuyển đổi DNNN. Nếu thực hiện bán đấu giá cho toàn xã hội thì số tiền này không nhỏ. Nhà nước chỉ giữ lại những cổ phần không có người mua. Nhà nước không cạnh tranh với dân, Nhà nước chỉ làm trọng tài để nhân dân thực hiện việc cạnh tranh một cách hợp pháp. Hơn nữa, Nhà nước cũng không phải cấp vốn lưu động cho DNNN như hiện nay. Thứ hai, Nhà nước sẽ giảm bớt biên chế và chi phí cho việc quản lý các DNNN. Thứ ba, Nhà nước có điều kiện tập trung trí tuệ đầu tư nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
(Theo Đầu Tư) |