|
Nông dân Đông Anh trao đổi kiến thức khoa học. |
(VietNamNet) - Phiên chợ Rau an toàn và nông sản chất lượng cao vừa khai mạc sáng nay. Tất cả các mẫu rau quả được kiểm tra tại hội chợ đều được khẳng định là không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá ngưỡng cho phép.
Đến với phiên chợ là nông dân khắp các vùng ngoại thành Hà Nội: Hà Tây, Hà Bắc, Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, Sóc Sơn...Mặt hàng chủ yếu được bầy tại phiên chợ là rau và các loại củ quả sạch. Ngoài những loại rau truyền thống, người tiêu dùng còn có dịp tiếp xúc với những giống rau, quả đặc sản. Hợp tác xã (HTX) Đông Dư, Gia Lâm mang đến các loại rau gia vị, khế ngọt, ổi. Xã Lệ Chi với khoai tây Diamăng, cà chua giải khát, HTX Bắc Hồng (Đông Anh) với xà lách tím, mùi xoắn, củ rền, củ Lasi, húng Minri.
Hầu hết những cơ sở sản xuất rau sạch tại phiên chợ đều đã qua các lớp huấn luyện của Dự án IPM, dự án phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật trồng rau an toàn do Hội nông dân Hà Nội phối hợp với Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch châu Á thực hiện. Họ khẳng định so với tập quán canh tác cũ, sản xuất rau sạch theo chương trình của Dự án IPM cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, thu nhập của người nông dân cũng được cải thiện hơn hẳn. Ông Nguyễn Mạnh Tùng, chủ nhiệm HTX Lĩnh Nam, Thanh Trì cho biết, 100% nông dân trong xã ông sản xuất rau sạch và đều đã qua lớp tập huấn IPM. Qua 3 năm chuyển đổi, hiện thu nhập bình quân của mỗi khẩu là gần 5 triệu đồng/năm. Riêng năm 2002, doanh thu của HTX là 26 tỷ đồng, nông phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã đến được các thị trường Nhật, Đài Loan, Czech... Không những thế, môi trường và sức khoẻ cộng đồng đều được tăng lên rõ rệt.
Ông Nghiêm Xuân Ngọc, cán bộ IPM xã Thanh Xuân, Sóc Sơn hồ hởi nói với VietNamNet: "Trước kia, nông dân xã tôi trồng rau theo tập quán riêng rẽ, hàm lượng thuốc trừ sâu cao, người tiêu dùng không chấp nhận mà chi phí cũng lớn. Nhưng sau khi thực hiện theo dự án IPM, chi phí gieo trồng đã giảm hẳn, thu nhập người nông dân tăng gấp đôi, có hộ thu được tới 5 triệu/sào".
Hiện nay, một lượng thuốc BVTV lớn vẫn đang được sử dụng trong sản xuất rau. Nông dân nhiều nơi do kém hiểu biết vẫn sử dụng các loại phân đạm, chất kích thích sinh trưởng, thậm chí cả những loại thuốc trừ sâu độc tố cao như Monitor, Wofatox... Đó là nguy cơ rủi ro về sức khoẻ đối với nông dân, người tiêu dùng và tác động xấu đến môi trường. Ngoài ra đó còn là rào cản để sản phẩm của ta đến được với các thị trường nước ngoài.
Từ năm 1999, đã có trên 7.000 nông dân tham dự 247 các lớp huấn luyện của IPM về sản xuất rau sạch, đảm bảo hàm lượng thuốc BVTV ở ngưỡng cho phép. Kết quả trên các địa phương áp dụng chương trình IPM cho thấy, lượng thuốc BVTV giảm từ 40 đến 70%, năng suất tăng từ 15 đến 25%. Khả năng trồng rau trái vụ cung cấp cho người tiêu dùng cũng được nâng cao. Ngoài ra, nông dân cũng được tư vấn các kỹ năng marketing sản phẩm, quản lý và hạch toán kinh tế.
Tuy nhiên, theo Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục phó Chi cục BVTV Hà Nội, nông dân áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn vẫn còn một số thiệt thòi như rủi ro về thời tiết, người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng nên chưa chấp nhận giá thành sản phẩm, mẫu mã nhiều khi còn xấu (sâu đục)... Hiện trên toàn bộ địa bàn ngoại thành Hà Nội, Chi cục BVTV mới phân được 5 cán bộ đảm trách nhiệm vụ hướng dẫn và giám sát nông dân thực hiện theo quy trình sản xuất rau sạch.
Hướng phát triển tới đây của nông dân sản xuất rau sạch là xây dựng nhà lưới. So với ngoài trời, hiệu quả gieo trồng rau sạch sẽ tăng lên 1,5-1,7 lần. Để làm được việc này, nhiều xã, huyện ngoại thành Hà Nội đã có sự đầu tư, giúp đỡ lớn cho nông dân. Xã Lĩnh Nam, Thanh Trì đầu tư xây dựng nhà lưới 20ha với 2,5 tỷ đồng. Xã Lệ Chi, Gia Lâm đầu tư 150 triệu và tạo mọi điều kiện thuận lợi về công trình thủy. Nông dân xã Đông Dư, Gia Lâm cũng được giúp đỡ 17 triệu xây dựng nhà lưới trên diện tích 1.000m2.
|