Sẽ cấp thẻ hành nghề tư vấn giám sát
13:56' 28/03/2003 (GMT+7)
Chuyên gia tư vấn, giám sát nước ngoài kiểm tra công trình tại cảng Cái Lân.
(VietNamNet)
-
''Đã làm nghề giám định chất lượng công trình xây dựng phải có ba điều kiện: kiến thức, kinh nghiệm và nghiệp vụ. Bộ Xây dựng và Bộ GTGT hiện đang mở các lớp đào tạo nghiệp vụ giám sát, quản lý chất lượng công trình cho các kỹ sư. Và cứ hai năm, chúng ta phải đào tạo lại đội ngũ này. Dự kiến thời gian tới, chúng tôi sẽ cấp thẻ hành nghề tư vấn giám sát''.

PGS.TS. Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định (Bộ Xây dựng), cho biết như vậy. Xung quanh việc tư vấn, giám sát chất lượng các công trình xây dựng hiện nay, ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi về vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về các đơn vị thực hiện tư vấn giám sát và công tác này ở Việt Nam?

- Hiện nay, Việt Nam cần 4-5 công ty tư vấn giám sát với năng lực đủ lớn. Mặc dù rất quý về số lượng, nhưng tôi đang lo ngại rằng, chúng ta đang có quá nhiều công ty tư vấn giám định. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình, thời gian qua, chúng tôi cũng thực sự lo lắng về năng lực của hàng nghìn công ty đã được cấp phép hoạt động liên quan đến tư vấn, giám sát xây dựng, bởi họ chưa được kiểm nghiệm về năng lực.

- Thưa ông, tiêu chuẩn nào để đánh giá các công ty tư vấn, giám sát là có năng lực thực hiện?

- Dự thảo Luật Xây dựng sẽ được trình Quốc hội trong tháng 5 tới, và tôi hy vọng nó sẽ được thông qua. Sẽ có một nghị định riêng về điều kiện năng lực của các nhà thầu hoạt động tại Việt Nam. Sân chơi lúc đó rất sòng phẳng, đơn vị nào đủ điều kiện thì hoạt động.

Tôi lấy ví dụ Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Khi họ xây dựng các công trình điện lực, đương nhiên, đơn vị tư vấn của chính họ chắc chắn sẽ mạnh hơn nhờ có kinh nghiệm. Đơn vị này sẽ thực hiện với Tổng công ty Điện lực thông qua hợp đồng kinh tế, chứ không phải dưới góc độ mệnh lệnh hành chính hay cấp trên giao cấp dưới làm.

''...Chúng ta cần phải tiếp cận với mô hình tư vấn, giám sát quốc tế, đó là sự phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Và khi đã có khởi kiện hoặc tranh chấp, văn bản pháp lý cao nhất trong xử kiện chính là hợp đồng kinh tế. Do vậy, hợp đồng kinh tế phải ràng buộc rất rõ các điều kiện về trắc nghiệm chất lượng của việc giám định này...''

Hiện nay, chúng tôi có 7 đơn vị trợ giúp Cục Giám định thực hiện chức năng của mình, như Bộ KHCN, Viện Khoa học Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), Công ty Kiểm định chất lượng xây dựng, Viện Khoa học công nghệ GTVT (Bộ GTVT), Viện Khoa học Thuỷ lợi (Bộ NN-PTNT)... Một số đơn vị tư vấn của nước ngoài, nếu muồn hoạt động tại Việt Nam, phải đăng ký với các cơ quan chức năng về điều kiện năng lực, như trình độ chuyên môn, đội ngũ kỹ sư...

- Ông có thể giải thích rõ hơn về thuật ngữ ''tư vấn giám sát độc lập''?

- Về thuật ngữ ''tư vấn, giám sát độc lập'', chúng ta sẽ tiến tới một cách hiểu thống nhất. Trong lĩnh vực xây dựng hiện nay, có hai cách hiểu khác nhau: Thứ nhất là loại hình tư vấn giám sát quản lý chất lượng công trình. Một đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm sẽ tham gia tư vấn, giám sát trong suốt quá trình thi công, và sau đó, cấp giấy chứng nhận chất lượng công trình cho chủ đầu tư. Thứ hai, thuật ngữ mà từ trước đến nay chúng ta vẫn dùng là giám định, chỉ hoạt động được thực hiện sau khi đã có tranh chấp, như giám định sự cố, giám định chất lượng.

Đơn vị thực hiện tư vấn giám định chất lượng thông qua một hợp đồng kinh tế. Hợp đồng này thể hiện sự độc lập của cơ quan tư vấn - một công ty, tổ chức có tư cách pháp nhân. Họ thực hiện theo cam kết trong hợp đồng, chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư, trước luật pháp về kết quả đưa ra.

- Vậy, họ đóng góp gì trong việc bảo đảm chất lượng công trình xây dựng, đặc biệt là những tòa nhà cao tầng?

- Giám sát quản lý chất lượng công trình đang là thị trường nóng bỏng hiện nay. Chính phủ Singapore quy định, đối với các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, cứ 5 năm, chủ đầu tư phải giám định một lần; đối với công trình nhà ở là 10 năm. Như vậy, nghề tư vấn giám sát chất lượng công trình, hay tổ chức giám định chất lượng độc lập, là nghề hoàn toàn có triển vọng và tương lai. Họ chính là những đơn vị, những người giúp chúng ta lập lại trật tự về công tác quản lý xây dựng.

Nghị định 52 của Chính phủ cũng như Hướng dẫn về quy định quản lý chất lượng công trình được ban hành kèm theo Quyết định 17 của Bộ Xây dựng đã quy định rõ, các chủ đầu tư phải thuê những đơn vị tư vấn, giám sát để kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình trong suốt quá trình thi công. Thời gian qua, rất nhiều chủ đầu tư chưa thuê công ty tư vấn. Như vậy, chất lượng công trình vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

- Cơ sở pháp lý cho các tổ chức này hoạt động như thế nào? Theo ông, cơ chế hiện hành của Việt Nam đã hoàn chỉnh và tạm đủ để các công ty này hoạt động chưa?

- Về mặt pháp lý thì đủ, nhưng tài chính thì chưa. Hiện nay, Việt Nam chưa coi dịch vụ tư vấn giám sát chất lượng công trình như một nghề. Do đó, kỹ sư tư vấn, giám sát, mặc dù hiện nay được đào tạo rất nhiều, nhưng họ chưa có ngạch chuyên môn chính thức.

Hiện nay, chi phí cho công tác quản lý giám sát chất lượng, tư vấn giám định là rất thấp. Ngoài năng lực chuyên môn, điều quan trọng mà nghề này đòi hỏi là tư chất đạo đức của người giám sát. Nhưng trước hết, phải tạo cho đội ngũ giám sát có đời sống tốt nhất, có thể lập nghiệp được thông qua nghề. Tức là, chúng ta phải chuyên nghiệp hóa đội ngũ giám định này.

- Như vậy, mức giá tư vấn, giám sát ở Việt Nam hiện nay đã hợp lý chưa, thưa ông? Liệu các kỹ sư sống bằng nghề này có ổn để đảm bảo việc tư vấn, giám sát thực sự khách quan?

- Mức giá này ở Việt Nam hiện rất thấp, chỉ chiếm 0,7-1% tổng giá thành công trình, trong khi giá tư vấn, giám sát của các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là 2,5-4,2%, và trên thế giới trung bình là 2-2,5%. Tôi đang cố gắng thuyết phục để giá thành ký trong hợp đồng của tư vấn giám sát với chủ đầu tư ở Việt Nam đạt được như vậy. Có như thế, mới đảm bảo được đời sống cho những người hoạt động giám sát, để họ sống được bằng nghề. Khi đó, chúng ta không còn lo tư chất, đạo đức của người giám định. Tôi ủng hộ việc bỏ ra một chi phí xứng đáng để chúng ta làm tốt về chất lượng, cũng như nhiều lần tôi đã nói rằng, giá cả thấp không đồng nghĩa với chất lượng.

- PGS.TS. Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định: Sau khi được uỷ thác, tổ chức tư vấn giám sát hoàn toàn độc lập với các bên: nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư. Lúc này, trên công trường, người đại diện cho tổ chức tư vấn, giám sát có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến chất lượng thi công, nghiệm thu công trình. Căn cứ để họ thực thi quyền lực là nội dung hợp đồng giao nhận thầu và những cam kết về điều kiện kỹ thuật trong hồ sơ dự thầu.

- TS. Phạm Sỹ Liêm, Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam: Giám sát đặc biệt quan trọng trong công trình xây dựng. Giám sát muốn tử tế, không phải chỉ cần những người tử tế mà phải có cả những cơ chế tử tế. Tôi nghĩ, những công trình như Sơn La nên thuê tư vấn nước ngoài và yêu cầu họ sử dụng tư vấn Việt Nam để rèn luyện cho tư vấn Việt Nam.

(Theo TBKTSG)

  • Hà Yên
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
DN xuất hàng đi Iraq phải thông báo cho LHQ (28/03/2003)
Xuất khẩu đường: Lỗ nhưng vẫn làm (28/03/2003)
Khách du lịch hoàn toàn có thể an tâm khi đến Việt Nam (28/03/2003)
Thuê đất cho dự án FDI sẽ dễ dàng hơn (28/03/2003)
Sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong vòng 2 năm (28/03/2003)
Oral-B Vietnam đóng cửa (28/03/2003)
Đang nhìn cơ hội trôi qua (28/03/2003)
Khái niệm ''thương hiệu'' có thể được hiểu rộng hơn... (27/03/2003)
Xuất khẩu chưa chịu ảnh hưởng của chiến tranh (27/03/2003)
Hoàn thành việc nâng cấp trạm bơm Bạch Đằng (27/03/2003)
Đề nghị cho 24 DN xe máy hoạt động trở lại (27/03/2003)
3 DN kêu giá tính thuế hạt nhựa cao (27/03/2003)
Lòng tin của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh (27/03/2003)
Con người biết sáng tạo từ khi nào? (27/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang