|
Chuyển mía về nhà máy đường Lam Sơn. |
Các nhà máy đường đang thực hiện kế hoạch xuất khẩu 100.000 tấn đường, chịu lỗ cả trăm tỷ đồng để đưa ngành mía đường Việt Nam thoát khỏi bế tắc. Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
- Vì sao lại phải xuất đường để chịu lỗ?
- Năm nay nhu cầu tiêu dùng đường trong nước chỉ khoảng 900.000 tấn, như vậy còn dư 250.000 tấn. Thời gian qua, giá đường giảm liên tục, thậm chí có lúc dưới giá thành, khiến các nhà máy đứng trước nguy cơ thua lỗ nghiêm trọng hơn. Do vậy, chúng tôi thấy cần xuất khẩu đường để cân bằng cung cầu, đưa giá đường trở lại mức hợp lý đối với nhà sản xuất và nông dân trồng mía. Tại cuộc họp của Hiệp hội Mía đường, chúng tôi nhất trí là từng nhà máy đường cần chia sẻ trách nhiệm xử lý lượng đường thừa bằng cách tạm trữ và xuất khẩu. Bốn công ty đầu mối xuất khẩu đường là Biên Hòa, Lam Sơn, Cần Thơ, Quảng Ngãi sẽ được giao chỉ tiêu xuất khẩu cụ thể. Mỗi nhà máy sẽ phải xuất khẩu 10% sản lượng đường. Hiện giá đường thế giới rất thấp, xuất khẩu sẽ bị lỗ, nhưng giúp cân bằng lại cung - cầu thị trường nội địa. Khoản lỗ của các nhà máy được bù bằng lợi nhuận thu từ thị trường trong nước. Lượng xuất khẩu đường năm nay khoảng 100.000 tấn, trước mắt chúng tôi thực hiện đợt một là 50.000 tấn. Nhiều nước đã làm cách này.
- Việt Nam đi sau, không lẽ không tránh được con đường đó?
- Giá đường thế giới thấp là do trợ giá. Ở châu Âu, quy định hạn ngạch để bán đường nội địa là 700 EUR/tấn, trong khi xuất khẩu giá chỉ 220 EUR/tấn. Ở Thái Lan, giá mua mía giảm liên tục từ 18 USD/tấn xuống còn 11,3 USD, Chính phủ cũng phải bù lỗ. Hiệp hội Mía đường đã cam kết mua hết mía cho nông dân theo mức bảo đảm có lãi trên 200.000 đồng/tấn 10 chữ đường. Việc xuất đường là một trong nhiều biện pháp để thực hiện cam kết đó.
- Lấy chính sách nội địa để nuôi xuất khẩu liệu có thuyết phục được người tiêu dùng, và sẽ phải nuôi bao lâu?
- Trong số 900.000 tấn đường thì ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như bánh kẹo, sữa, nước giải khát tiêu thụ khoảng 550.000 tấn. Chỉ 350.000 tấn được người dân tiêu thụ trực tiếp. Việc giảm giá đường thời gian vừa qua chủ yếu xảy ra trong khâu phân phối, chứ đường đến tay người tiêu dùng vẫn xấp xỉ mức giá cũ. Do vậy, việc đưa giá đường trở lại mức hợp lý cũng chỉ là giảm bớt sự bất hợp lý trong khâu phân phối. Nếu sang năm cung - cầu cân đối trở lại thì chúng tôi sẽ ngưng xuất khẩu.
- Giá trong nước cao có thể kích thích nhập lậu?
- Tình trạng thừa đường hiện nay một phần cũng do các năm trước đường nhập về quá nhiều, đến vài trăm ngàn tấn. Nếu không tính toán mức giá hợp lý, rất có thể tình trạng ''bán đường cửa trước, rước đường cửa sau'' sẽ xảy ra. Chúng tôi dự định chỉ điều chỉnh giá đường trong nước ở mức 4.000 đồng/kg đường thô, 4.500 đồng/kg đường sản xuất trực tiếp từ mía, 5.000 đồng/kg đường tinh luyện. Nếu giá lên quá mức 5.000 đồng/kg, đường lậu sẽ tràn vào.
(Theo Tuổi Trẻ) |