|
Việt Nam luôn là điểm đến được ưa chuộng. | |
|
(VietNamNet) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Từ hôm qua (27/3) đã chuyển tuyên bố trên của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Thưởng tới các cơ quan báo chí, đại diện các Sở Du lịch và công ty lữ hành trong cả nước, vì Việt Nam đã hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh lạ.
Ông Phạm Từ tin tưởng rằng, dù đang gặp "hoạn nạn kép", du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại với sức bật lớn hơn. Trong buổi trao đổi, ông Từ điểm lại ba cuộc khủng hoảng có tác động lớn tới du lịch Việt Nam trong 5 năm gần đây. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực năm 1997, vụ khủng bố tại nước Mỹ ngày 11/9/2001 và "hoạn nạn kép" chiến tranh+dịch cúm đang diễn ra.
Ông nghiệm rằng ngành du lịch, không chỉ ở riêng Việt Nam, thường nhanh chóng khắc phục được ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng. Không những thế, sau đó, hoạt động du lịch còn phát triển nhanh hơn và khởi sắc thêm nhiều. "Hoạn nạn kép" hiện nay chỉ là "họa vô hơn chí" tạm thời, và Việt Nam sẽ sớm vượt qua để vẫn là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng về du lịch cao nhất thế giới.
Tổng cục Du lịch đã cử hai vụ phó các Vụ Du lịch và Vụ Hợp tác Quốc tế tham gia Ban Đặc nhiệm Chống dịch Bộ Y tế. Tổng cục cũng thường xuyên trao đổi và cập nhật thông tin với Bộ Y tế. Ông Từ nhấn mạnh, diễn biến của dịch cúm trong vài ngày gần đây có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Dịch cúm thực ra chỉ ảnh hưởng tới một khu vực chính là Hà Nội. Và tới nay, cũng chưa phát hiện thấy các trường hợp nghi ngờ cũng như ca bệnh tại cộng đồng.
Các công ty lữ hành, các khách sạn của Việt Nam đã chủ động liên lạc với Tổng cục Du lịch, Bộ Y tế, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để thường xuyên thông báo những thông tin mới nhất về dịch cúm tại Việt Nam cho đối tác nước ngoài. Chính cách làm tích cực, đầy thiện chí này khiến nhiều công ty nước ngoài yên tâm, tin tưởng tiếp tục đưa khách đến Việt Nam những ngày gần đây.
Dù vậy, chiến tranh và dịch cúm đã kịp mang đến thiệt hại. Một số nơi có nhận được yêu cầu hoãn, hủy từ phía nước ngoài, nhất là từ Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc... Rất có thể, "hoạn nạn kép" sẽ gây khó khăn cho các mục tiêu du lịch trong năm nay.
Để giảm thiểu thiệt hại, Tổng cục Du lịch đưa ra những chủ trương có tính định hướng. Đó là tiếp tục duy trì những thị trường truyền thống, thị trường nguồn đã xây dựng được quan hệ ổn định; chú trọng các thị trường gần; và tìm mọi cách duy trì các thị trường Pháp, Đức, Mỹ, Anh... Đồng thời, cần chuyển hướng từ đường bay xa, không an toàn sang đường bay gần, an toàn hơn; chuyển từ đường không sang đường bộ.
Ông Phạm Từ cũng công nhận, về mặt cung cấp thông tin cho báo chí, các Sở Du lịch, và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Tổng cục còn "quá kém". Ông Hồ Hùng Vân, Phó Tổng giám đốc thường trực Saigontourist phát biểu, nếu thêm một từ "quá" nữa vẫn không thừa.
Về thông tin, ông Tony Lê Đình Tuấn, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Furama Resort Đà Nẵng đề xuất, Tổng cục Du lịch nên lập một Intranet (mạng nội bộ) cho các Sở địa phương cũng như các công ty lữ hành. Thông tin được cung cấp qua đường này sẽ đến nhanh, và không bị thất lạc như hiện nay.
Trong buổi trao đổi, ông Phạm Từ còn cho biết, Chính phủ đã quyết định năm 2004 là năm du lịch Điện Biên; năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, sẽ là năm Con đường huyền thoại - đường mòn Hồ Chí Minh.
|