Xuất khẩu chưa chịu ảnh hưởng của chiến tranh
16:48' 27/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong bối cảnh cả thế giới bị cuốn vào cuộc chiến Iraq, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ba tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm 2002. Bộ Thương mại nhận định, xuất khẩu vào nhiều thị trường truyền thống sẽ gặp khó khăn, nhưng vẫn có triển vọng.

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng dệt may là ngành có mức XK tăng trưởng tới 90%

Chỉ tính riêng xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch quý I năm nay của cả nước đạt gần 4,7 tỷ USD. Riêng tháng 3, kim ngạch đạt tới 1,6 tỷ USD, tăng gần 24% so với tháng trước. Như vậy, dù chịu sức ép của tình hình kinh tế thế giới, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng đáng kể, thậm chí đạt kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử ngoại thương Việt Nam. Dường như sự suy thoái trầm trọng của năm 2002 đã không trở lại.

Nguyên nhân chủ yếu của thành công này là sự nỗ lực vượt bậc của một số ngành sản xuất trọng yếu, đặc biệt là dệt may. Kim ngạch tháng 3 toàn ngành đạt 300 triệu USD, tính chung cả quý đạt 850 triệu USD, tăng tới 90% so với năm 2002. Như vậy, những khó khăn xuất hiện ở thị trường Mỹ không ngăn nổi bước tiến diệu kỳ của ngành dệt may trong chiến lược tăng tốc của mình.

Nhiều mặt hàng nông sản cũng khẳng định thêm thế mạnh của mình, trong đó có cao su (tăng 67,2% so với quý I năm 2002), cà phê (tăng 60,3%), nhân điều (44,8%)... Giá các mặt hàng này trên thị trường thế giới thời gian qua đều rất có lợi cho các nước xuất khẩu, nên tốc độ tăng trưởng vẫn cao dù số lượng không tăng nhiều. Thậm chí, lượng cà phê xuất khẩu còn giảm 22,8% so với năm ngoái.

Riêng về mặt hàng gạo, có thể nói nỗ lực của các doanh nghiệp là rất đáng khích lệ. Không thuận lợi về giá như các sản phẩm khác, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo quý I năm nay vẫn tăng tới 43,5% so với quý I/2002. Lượng gạo xuất khẩu tăng đột biến: 77,7%. Trái với nhiều dự đoán, chiến tranh Iraq chưa ''làm khó'' được các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Mặt hàng này sẽ còn nhiều triển vọng, nhất là sau khi Việt Nam thắng thầu tại Philippines, cải thiện thêm một bậc vị thế và hình ảnh của mình trên trường quốc tế.

Đối với mặt hàng chè, sản phẩm mà nhiều người cho rằng sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc chiến Iraq, kim ngạch tháng 3 vẫn đạt 3 triệu USD (tăng 36% so với tháng 2). Như vậy, giá trị chè xuất khẩu cả quý I không tăng nhiều so với năm 2002 do giá thị trường xuống thấp. Ông Nguyễn Kim Trọng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam cho rằng, ngành chè sẽ đứng vững được trong cuộc chiến Iraq dù mất đi thị trường tiêu thụ lớn nhất. Thời gian qua, chè Việt Nam đã chinh phục thêm nhiều thị trường mới nên kim ngạch sẽ không giảm nhiều.

Trong nhóm hàng nông sản, hai mặt hàng đáng lo ngại nhất là rau quả và lạc nhân. Cả số lượng và kim ngạch của hai mặt hàng này đều giảm nghiêm trọng so với quý I/2002 (rau quả giảm hơn 30%, lạc nhân giảm 63%). Thực trạng này càng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là rau quả chế biến.

Trong khi đó, nhiều mặt hàng công nghiệp và thủ công mỹ nghệ lại tăng trưởng vượt trội. Đáng chú ý là sản phẩm gỗ, tuy kim ngạch còn nhỏ bé (tháng 3 đạt 30 triệu USD) nhưng tốc độ tăng trưởng cả quý đạt tới 40%. Mặt hàng giày dép, nhờ mở rộng một cách tích cực thị trường tiêu thụ, vẫn giữ tốc độ cao (32,3%) dù giá xuất khẩu không tăng.

Theo đánh giá của Bộ Thương mại, xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, EU, Đông Âu, Mỹ đang gặp không ít bất lợi. Bộ cũng dự báo giá trị xuất khẩu vào các khu vực này sẽ giảm đôi chút, nhiều mặt hàng có khả năng bị tồn đọng. Tuy nhiên, với những biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro một cách tích cực, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể vẫn tăng. Trong trường hợp chiến tranh kết thúc sớm, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục thiệt hại để hoàn thành kế hoạch năm.

Hiện Bộ Thương mại đang khuyến cáo các doanh nghiệp lùi thời hạn giao hàng hoặc chia nhỏ các lô sản phẩm xuất khẩu để tránh ảnh hưởng chiến tranh. Mặt khác, trong khuôn khổ chiến lược phát triển thị trường trong nước, Bộ cũng sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ nội địa.

  • Trịnh Hằng 
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hoàn thành việc nâng cấp trạm bơm Bạch Đằng (27/03/2003)
Đề nghị cho 24 DN xe máy hoạt động trở lại (27/03/2003)
3 DN kêu giá tính thuế hạt nhựa cao (27/03/2003)
Lòng tin của người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh (27/03/2003)
Con người biết sáng tạo từ khi nào? (27/03/2003)
Sẽ áp dụng thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất (27/03/2003)
Khánh Hòa khai mạc Festival Biển và Tuần lễ Du lịch (27/03/2003)
Khởi công trạm phát điện sức gió đầu tiên (26/03/2003)
''Chúng tôi tin tưởng môi trường làm việc tại Việt Nam'' (26/03/2003)
Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng của Malaysia (26/03/2003)
Việt Nam sẽ có trang trại sản xuất nấm? (26/03/2003)
Lo ngại chiến tranh, thị trường phố Wall xuống dốc (26/03/2003)
Mỗi ngày một kỷ lục ''ngược'' (26/03/2003)
''Thay đổi mẫu hoá đơn không gây khó khăn cho DN'' (26/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang