|
Việt Nam sẽ sản xuất được 1 triệu tấn nấm/năm? | (VietNamNet) - Phát biểu tại hội nghị sản xuất, chế biến nấm toàn quốc hôm nay (26/3), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ nhấn mạnh, Việt Nam cần có hình thức tổ chức sản xuất nấm thích hợp, đặc biệt là xây dựng và phát triển theo mô hình trang trại. Hiện nay, sản xuất nấm ở nước ta chủ yếu vẫn là quy mô hộ đơn lẻ, năng lực chỉ 1-6 tấn nguyên liệu/vụ.
Trong khi đó, theo ông Bạch Quốc Khang, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm sản và NNNT (Bộ NN-PTNT), mỗi năm, thế giới có nhu cầu trên 20 triệu tấn sản phẩm nấm, và xu hướng này đang tăng với tốc độ 3,5%. Thị trường tiêu thụ nấm ăn lớn nhất hiện nay là Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và các nước châu Âu. Mức tiêu thụ bình quân tính theo đầu người của châu Âu, châu Mỹ là 2-3 kg/năm; Nhật, Đức khoảng 4 kg/năm... Bên cạnh đó, ngay tại thị trường trong nước, lượng nấm được tiêu thụ cũng vài chục nghìn tấn/năm.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi đặc biệt cho cây nấm phát triển. Nếu trung bình mỗi tấn thóc cho 1,2 tấn rơm rạ, chỉ sử dụng 10% trong số đó cho trồng nấm, thì có thể sản xuất được vài trăm nghìn tấn/năm. Bà con nông dân, ngoài việc sử dụng những phế, phụ phẩm trong sản xuất nông sản, còn tận dụng được thời gian nông nhàn.
Giá nấm mỡ tươi trung bình hiện nay khoảng 600-1.000 USD/tấn, cao hơn 1,2-1,5 lần so với thịt bò; nấm mỡ muối là 1.000-1.200 USD/tấn. Các loại khác như mộc nhĩ, nấm hương, nấm rơm... cũng có giá bán dao động từ 1.700 đến 6.500 USD/tấn. Sự khó khăn về nguyên liệu và giá nhân công các nước phát triển thời gian qua đang tạo cơ hội cho các loại sản phẩm nấm của Việt Nam. Các tỉnh phía Nam có thể xuất hàng nghìn tấn nấm mỡ, nấm hộp sang thị trường Đài Loan, Hongkong, Thái Lan. |
Nước ta hiện trồng 6 loại nấm chủ yếu là nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ, nấm hương và nấm dược liệu linh chi. Tuy nhiên, giống nấm có vai trò đặc biệt, nếu không nói là yếu tố quyết định trong sản xuất. Sử dựng giống nấm không đủ tiêu chuẩn sẽ cho hiệu quả kém, thậm chí, bà con không thể thu hồi vốn đầu tư.
Song, ông Bạch Quốc Khang cho biết, từ sản xuất, trồng nấm đến quản lý, hướng dẫn sử dụng giống nấm tại Việt Nam hiện nay chưa có sự tổ chức thống nhất. Các cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu có khả năng chuyển giao giống cho sản xuất chỉ hoạt động một cách đơn lẻ, tự phát. Chúng ta đang thiếu một cơ quan đảm trách vai trò chọn lọc, kiểm tra, đánh giá tiềm năng, chất lượng của từng loại giống cũng như chất lượng giống nấm cung cấp cho nông dân. Tại một số địa phương, xuất hiện tình trạng sử dụng giống chất lượng kém, dẫn đến hiện tượng bất ổn trong phong trào phát triển nấm ở Việt Nam thời gian qua.
Bên cạnh đó, cả nước chỉ có 3-5% số cơ sở trồng và chế biến nấm tập trung, với quy mô 10-15 tấn nguyên liệu/vụ. Việc sản xuất quy mô nhỏ lẻ đã gây khó khăn cho các hợp đồng xuất khẩu lớn, chất lượng sản phẩm thấp khiến đối tác nước ngoài chưa tin tưởng, làm ăn lâu dài. Do vậy, tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nhấn mạnh, cần nhanh chóng xây dựng mô hình trang trại sản xuất nấm và nhân rộng trong cả nước.
Hiện nay, mỗi năm, cả nước sản xuất được 100.000 tấn nấm nguyên liệu. Trong số đó, 50% sản lượng nấm tiêu thụ vẫn là nấm tươi, hoặc chỉ xuất khẩu dưới dạng thô. Các dạng nấm muối, nấm sấy phần lớn được chế biến tại gia đình hoặc cụm gia đình, bằng các thiết bị thủ công và chất lượng chưa cao. 13 đơn vị đóng hộp lại tập trung chủ yếu ở phía Nam, trong khi phí chuyển nấm từ Hà Nội vào TP.HCM trên dưới 15 triệu đồng, gần 1.000 USD, do vậy, đẩy giá thành chế biến lên.
Giám đốc Xí nghiệp chế biến Nấm xuất khẩu, ông Trương Văn Mười, cho biết, từ năm 2002, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, so với trước đây là chỉ Đài Loan, Malaysia và Thái Lan. Việc mở được thị trường này đã làm cho doanh số các nhà máy đóng hộp đóng tại phía Nam tăng vọt (50%), và đặc biệt, không còn bị khống chế giá trong mùa nấm của các nước trên.
Song, ông Mười kiến nghị Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ xây một nhà máy đóng hộp, nhà xưởng khoảng 1 tỷ đồng/địa phương trồng nấm để đẩy mạnh giá trị xuất khẩu. Đồng thời, ngay từ bây giờ, cần triển khai công tác xúc tiến thương mại cho ngành nấm, vì chỉ trong vòng 3 năm nữa, sản lượng nấm ăn cả nước sẽ tăng rất cao; xây dựng trang web về nấm; quảng bá hình ảnh nấm Việt Nam trên thế giới; hỗ trợ các nhà máy chế biến về hạ tầng kỹ thuật...
Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nhắc nhở, trước mắt, cần giải quyết các vấn đề về giống thương phẩm, mở rộng thị trường cho nấm. Kết thúc hội nghị này, cần công bố cho bà con biết đâu là giống nấm mạnh, giống đảm bảo chất lượng. Về lâu dài, cần có quy hoạch về trồng, sản xuất và chế biến nấm, với tầm nhìn bao quát về thị trường.
''Nếu không đi theo hướng sản xuất hàng hóa, chỉ phát triển tự phát theo phong trào, chúng ta sẽ lặp lại bài học về mía đường. Trồng ở đâu, tập trung vào những tỉnh nào, huyện nào phải được công bố cụ thể. Theo tôi, Việt Nam sẽ tập trung nấm rơm ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Nam Định... còn nấm sò là ở các tỉnh phía Nam'', Bộ trưởng nói.
Dự kiến đến năm 2010, sản lượng nấm của Việt Nam đạt trên 1 triệu tấn nấm/năm, với tổng giá trị sản phẩm đạt 7.000 tỷ đồng, sử dụng khoảng 6 triệu tấn phế phẩm nông nghiệp. Trong đó, lượng nấm được chế biến chiếm 50%, cho kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD/năm.
Theo đánh giá chưa đầy đủ của Cục Chế biến Nông lâm sản và NNNT, năm 2002, các loại sản phẩm nấm xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 40.000 tấn, kim ngạch 40 triệu USD. |
|