TTCK VN:
Mỗi ngày một kỷ lục ''ngược''
18:22' 26/03/2003 (GMT+7)

Khó thu hút nhà đầu tư chứng khoán trong hoàn cảnh thị trường ảm đạm hiện nay.

(VietNamNet) - Kể từ phiên giao dịch ngày 20/3, chỉ số VN-Index đã 5 phiên liên tiếp lập các kỷ lục ''ngược'', xuống mức thấp nhất chưa từng có kể từ khi thị trường mở cửa đến nay. Phiên hôm nay, VN-Index đạt 152,36 điểm và vẫn đang có xu hướng về với ''gốc'' 100 điểm khi thị trường mới mở cửa vào tháng 7/2000.

So với thời điểm chỉ số lên đến mức cao nhất 571 điểm vào tháng 6/2001, chỉ số VN-Index đã giảm... 419 điểm. Theo một số chuyên gia phân tích, VN-Index sẽ còn giảm nữa do các công ty chứng khoán bắt buộc phải bán cổ phiếu do nhà đầu tư cầm cố từ trước, tạo ra tác động ''kép'', tiếp tục kéo giá xuống thêm. Đây thực sự là một điểm bất lợi cho thị trường trong hoàn cảnh u ám hiện nay.

Một nhà đầu tư tại Sàn giao dịch Bảo Việt đã bức xúc: ''Trước đây, đặt lệnh mua cổ phiếu ở mức giá 90.000 đồng thấy run run. Bây giờ cũng run run khi phải bán cổ phiếu ở mức chỉ bằng 1/10 so với trước''.

Trong số 21 cổ phiếu niêm yết và giao dịch, có đến 14 cổ phiếu dưới mức giá 20.000 đồng. Một số cổ phiếu đã ''ngấp nghé'' mệnh giá như DPC (12.300 đồng), BBC (13.100 đồng), SGH (13.300 đồng), REE (13.800 đồng). Trong đó, cổ phiếu DPC mất giá 2%/phiên, trở thành cổ phiếu có giá giao dịch thấp nhất từ trước đến nay (kỷ lục này trước đây là 13.000 đồng thuộc về SGH). Với tình trạng này, khi giá cổ phiếu xuống bằng mệnh giá thì có lẽ chẳng có ai mua bán. Thị trường sẽ đi về đâu!?

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định: ''Thị trường sẽ khó phục hồi lại được nếu như thiếu đi những giải pháp tầm vĩ mô của cơ quan quản lý thị trường - vốn vẫn im lặng trong thời gian gần đây''. Những biện pháp mà nhà quản lý dự kiến thực hiện như tăng số lần khớp lệnh, giảm lô giao dịch, cấp phép cho quỹ đầu tư... vẫn trong tình trạng ''dự kiến''. Ngoài ra, việc kiểm tra, rà soát để đánh giá ''hàng hoá'', chấn chỉnh các công ty niêm yết cũng là bức xúc của nhà đầu tư.

Đến nay đã hết quý I/2003 mà các nhà đầu tư vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính năm 2002 của Công ty BIBICA. Sự chậm trễ này có thể đặt dấu nghi vấn cho các nhà đầu tư?

Có người cho rằng, nên để thị trường ''nghỉ ngơi'' một thời gian. Trong thời gian đó sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thị trường như hoàn thiện hành lang pháp lý, về điều kiện kỹ thuật để tăng số lần khớp lệnh, cấp phép cho quỹ đầu tư, kiểm tra và minh bạch tài chính của các công ty niêm yết, tăng ''hàng hoá'' có chất lượng ... Cách làm này có thể giúp cho nhà quản lý có thời gian để thực hiện những ''dự kiến'', và để tránh một thực tế không mong đợi nếu không có giải pháp vực dậy thị trường.

TTCK Việt Nam chưa phải là phong vũ biểu của nền kinh tế. Nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá, nó đã bắt đầu phản ánh tư duy, cung cách của các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Nó cũng phản ánh việc quản trị và minh bạch tài chính của các công ty mà nhà đầu tư đặt niềm tin vào cổ phiếu của họ niêm yết trên thị trường.

  • Thanh Minh
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Tăng số lần khớp lệnh trên TTCK VN: Đầu đã xuôi, đuôi chưa lọt
Bao giờ TTCK Việt Nam có quỹ đầu tư?
TTCK Việt Nam: Trông người lại nghĩ đến ta
CÁC TIN KHÁC:
''Thay đổi mẫu hoá đơn không gây khó khăn cho DN'' (26/03/2003)
Giảm giá 12 loại cước dịch vụ viễn thông (26/03/2003)
Đầu tư nước ngoài giảm một nửa so với cùng kỳ 2002 (26/03/2003)
Phong trào tẩy chay hàng Mỹ lan rộng (26/03/2003)
Giám đốc hợp tác xã đầu tiên ở An Giang (26/03/2003)
Việt Nam tìm cách bán gạo trực tiếp sang châu Phi (26/03/2003)
Nông phẩm phải đạt tiêu chuẩn ISO13960 (25/03/2003)
Giá hàng hoá và dịch vụ giảm 0,6% (25/03/2003)
Miễn giảm thuế nông nghiệp để giữ giá lúa? (25/03/2003)
Prévoir hợp tác với VNPT cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ (25/03/2003)
Chuyện ngành quảng cáo: đạo lý trong kinh doanh (25/03/2003)
Mua bảo hiểm cho... con tôm (25/03/2003)
Thủ tướng cam kết không "bao sân" cho doanh nghiệp (25/03/2003)
Sẽ ban hành thêm 7 chuẩn mực kế toán (24/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang