Sẽ có thuế hạn ngạch, thuế thời vụ trong nông nghiệp
07:35' 24/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Được coi như một biện pháp tốt để bảo hộ cũng như khuyến khích sản xuất nông nghiệp, thuế hạn ngạch và thuế thời vụ được áp dụng từ khá lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, đây vẫn còn là khái niệm mới. Bộ Tài chính đang xem xét đưa ra những loại thuế này...

Ông Hà Huy Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Tài chính) tuyên bố như vậy trong cuộc gặp gỡ sáng nay với các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, với mục đích tìm con đường hội nhập cho nông nghiệp Việt Nam. Ông Tuấn cho biết, thuế hạn ngạch là loại thuế xuất nhập khẩu thay đổi linh hoạt theo kim ngạch xuất nhập khẩu của một hàng hóa nào đó. Thí dụ, doanh nghiệp nhập khẩu 1.000 tấn mặt hàng X sẽ phải chịu thuế suất 7%, trong khi nếu nhập 400 tấn thì chỉ chịu thuế 5%... Loại thuế này sẽ công bằng hơn cách tính hiện nay, hơn nữa, vẫn bảo hộ được nông nghiệp .

Thuế thời vụ cũng là hình thức bảo hộ được nhiều quốc gia áp dụng. Loại thuế này có thêm ưu điểm là phù hợp với nhu cầu trong nước. Thí dụ, vụ thu hoạch nông sản Y kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6, trong thời gian này hàng Y nhập khẩu sẽ chịu thuế suất cao hơn thời điểm trái vụ (từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau). Như vậy, người tiêu dùng trong nước vẫn có thể tiêu thụ nông sản Y với giá hợp lý hơn cách tính thuế thông thường.

Tuy nhiên, việc áp dụng hai loại thuế trên không đơn giản. Ông Tuấn cho biết, các nhà quản lý phải tính kỹ cả lợi ích của người tiêu dùng và nhà sản xuất (những người sản xuất nông sản tương tự, hoặc dùng nông sản nhập khẩu làm nguyên liệu cho một loại hàng hóa khác). ''Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể quay lại cơ chế xin - cho trước đây. Vì vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu một cách cẩn trọng cách tính thuế, các mức thuế, đối tượng chịu thuế cũng như thời điểm áp dụng...''.

Bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp - DN chưa muốn làm?

Sản xuất nông nghiệp là một ngành đặc biệt nhiều rủi ro, đặc biệt là do thời tiết. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện không có công ty bảo hiểm nào muốn tham gia lĩnh vực này. ''Bảo hiểm ở Việt Nam là một lĩnh vực mới, còn nhiều khoảng trống. Các công ty chỉ muốn kinh doanh trong những mảng mang lại nhiều lợi nhuận, trong đó không có nông nghiệp'', ông Tuấn giải thích.

Một lý do khác, theo ông Tuấn, là các công ty bảo hiểm Việt Nam vốn còn ít (?) nên chưa đủ khả năng tham gia lĩnh vực này. ''Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu những chính sách khuyến khích DN bảo hiểm tham gia lĩnh vực nông nghiệp'', ông Tuấn hứa hẹn.

Về giải pháp lập các quỹ bảo hiểm rủi ro, ông Tuấn cho rằng không dễ dàng. Để cho ra đời một quỹ cần giải quyết nhiều vấn đề, cả về cơ chế huy động vốn, người quản lý, đối tượng tham gia... Trong khi đó, nhiều hiệp hội ngành hàng lại muốn lập quỹ bảo hiểm rủi ro hơn là chờ các công ty bảo hiểm. Các DN chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và chính người nông dân có thể góp vốn vào quỹ này, như vậy họ có thể chủ động hơn trong việc sử dụng quỹ.

Giải pháp về vốn - làm sao thu hút đầu tư nước ngoài?

Có thể nói nông nghiệp là lĩnh vực kém hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bà Phạm Thị Tước, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Quy hoạch (Bộ NN-PTNT) nói với VietNamNet: ''Rất ít nhà đầu tư nước ngoài chịu chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn chỉ muốn đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản''. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam lại có đặc thù quy mô nhỏ, khiến việc tổ chức khâu nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến lại khó khăn. Chưa kể chất lượng nông sản thiếu đồng đều cũng gây khó khăn không ít cho các nhà máy. Ngược lại, công nghiệp chế biến chưa phát triển, gây áp lực và thiệt hại lớn cho nông dân trong vụ thu hoạch.

Cũng theo bà Tước, Việt Nam có nhiều triển vọng sáng sủa trong thu hút đầu tư nước ngoài với sự ra đời của Khu vực tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA): ''Một thị trường gần 1,8 tỷ dân hẳn sẽ rất hấp dẫn đối với bất kỳ nhà đầu tư nào''. Tuy nhiên, những biện pháp thu hút đầu tư mà các nhà quản lý dự định thực hiện lại chưa thật mạnh mẽ. ''Chính phủ luôn đưa nông nghiệp vào danh mục khuyến khích đầu tư. Chính sách thì có nhiều, nhưng khâu triển khai lại yếu, kể cả thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, cho thuê đất...'', bà Tước nhận xét. Việt Nam rất có thể bỏ lỡ những lợi ích từ hội nhập, nếu không khắc phục triệt để tình trạng trên.

Giải pháp công nghệ - nông nghiệp công nghệ cao

Trò chuyện với VietNamNet, TS Lê Hưng Quốc, Cục trưởng Cục Khuyến nông và Khuyến lâm (Bộ NN-PTNT) cho biết, năng suất trong nông nghiệp Việt Nam hiện còn rất thấp. Bộ NN-PTNT đang theo đuổi ba giải pháp. ''Về quy hoạch, Bộ yêu cầu phải quy hoạch đến tận xã, trồng cây gì, nuôi con gì đều phải cụ thể. Mỗi tỉnh cần xác định 5-7 sản phẩm chủ lực, mỗi huyện 2-3 sản phẩm. Về công nghệ, Bộ đang triển khai chương trình giống và mô hình công nghệ cao. Về khâu tiêu thụ, Bộ đang tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa những người bạn chí cốt của nông dân: nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp'', ông Quốc nói.

Ông cũng cho biết thêm, mô hình nông nghiệp công nghệ cao bước đầu có những kết quả tương đối khả quan. ''Chúng tôi đề nghị xây dựng 20 mô hình ở cả miền Bắc và miền Nam, tương ứng với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như ngô, lúa, chè, điều, cà phê, muối... Thí dụ, chúng tôi sẽ phát triển mô hình mía đường trên quy mô 200ha, đưa năng suất từ 50 tấn mía/ha lên 100 tấn/ha, làm nước bằng máy, bón phân vi sinh, chế biến cả sản phẩm cả sau đường... Hiện Việt Nam đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao khá thành công như rau quả, bò sữa, nấm..., giá trị thu được trên mỗi hecta lên tới 100-200 triệu''. Ông Quốc cho biết, Bộ NN-PTNT đang triển khai mạnh mẽ những mô hình như vậy ngay trong năm 2003.

  • Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
ADB tài trợ 700.000 USD cho điện lực Việt Nam (23/03/2003)
16 bệnh nhân viêm phổi cấp chờ xuất viện (22/03/2003)
Ngày "ăn đúp" của kinh tế Mỹ (22/03/2003)
Thị trường nhà đất TP.HCM trồi sụt theo giá vàng (22/03/2003)
Sân chơi của các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam (22/03/2003)
Tôm sinh thái: Cung không đủ cầu (22/03/2003)
Vàng giảm, USD tăng (22/03/2003)
Các kho chứa đang đầy ắp xăng dầu (22/03/2003)
"Bán biểu tượng SEA Games để tuyên truyền hơn là kinh doanh" (22/03/2003)
Nhầm lẫn do... thống kê? (21/03/2003)
Ngành quảng cáo - được bảo hộ hay bị trói chân? (21/03/2003)
UNDP giúp Việt Nam 2,55 triệu USD thúc đẩy thương mại dịch (21/03/2003)
Xuất khẩu thuỷ sản tăng trên 40% trong quý I (21/03/2003)
Hải quan cấp phép XNK văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (21/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang