UNDP giúp Việt Nam 2,55 triệu USD thúc đẩy thương mại dịch
11:54' 21/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Ngày 20/3, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cùng Bộ KH-ĐT ký kết một dự án giúp Việt Nam quản lý quá trình hội nhập về thương mại, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời phấn đấu thực hiện các hiệp định thương mại đã ký với ASEAN và Hoa Kỳ.

Dự án trị giá 2,55 triệu USD sẽ do Vụ Thương mại - Dịch vụ thuộc Bộ KH-ĐT thực hiện nhằm xây dựng chiến lược phát triển toàn diện khu vực dịch vụ ở Việt Nam.

Ngoài ra, dự án còn tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ Chính phủ và các nhà quản lý doanh nghiệp về chính sách và nghiệp vụ thương mại để họ có thể giải quyết các vấn đề liên quan tới việc gia nhập WTO và Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS).

Theo ông Trương Văn Đoan, Vụ trưởng Vụ Thương mại - Dịch vụ, dự án về thương mại dịch vụ này là rất đúng lúc và cần thiết bởi Việt Nam đang nhanh chóng hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Lợi ích của việc tự do hoá dịch vụ vượt ra ngoài phạm vi của bản thân các ngành dịch vụ. Lợi ích đó được thể hiện qua tác dụng của dịch vụ đối với mọi hoạt động kinh tế khác.

Ông Jordan Ryan, Đại diện Thường trú UNDP, cho biết: ''Việc tự do hoá là nhân tố quan trọng cho tăng trưởng, song nếu không được quản lý hiệu quả thì việc đó có thể mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự nghiệp phát triển con người và xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, mọi chiến lược về ngoại thương cần phải đặt con người ở vị trí trung tâm, có nghĩa là chiến lược đó cần phải góp phần tăng cường tạo việc làm và tính bền vững về môi trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của toàn dân về lương thực, y tế, giáo dục cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng cân đối giữa nông thôn và thành thị''.

Theo yêu cầu của WTO, Việt Nam sẽ phải liên tục tự do hoá một số ngành dịch vụ để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và áp dụng chế độ đối xử quốc gia đối với những nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Mặt khác, việc gia nhập WTO sẽ cho phép Việt Nam tranh thủ được hệ thống thương mại đa phương và mở rộng thị trường sang hơn 140 nước thành viên của tổ chức này.

Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập với nền kinh tế thế giới là đảm bảo sức cạnh tranh của quốc gia và tranh thủ được những lợi ích của việc hội nhập ở mức độ cao hơn. Thời gian tới, Việt Nam phải xác định con đường hoà nhập với thế giới và sử dụng thương mại để tạo cơ hội thuận lợi hơn cho hàng triệu người dân của mình thay vì phục vụ cho lợi ích của một số ít người. 

Hiện nay, khu vực dịch vụ chiếm gần 1/4 giá trị thương mại hàng hoá trên thế giới và khoảng 3/5 tổng các nguồn vốn đầu tư. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, xuất khẩu dịch vụ được coi là quan trọng như xuất khẩu hàng hoá. Mặc dù đã đạt được tiến bộ về phát triển kinh tế kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, song khu vực dịch vụ của Việt Nam vẫn còn kém phát triển. Khu vực này chỉ chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản phẩm và sử dụng khoảng 24% lực lượng lao động.

Như vậy, tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm kém so với các nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình khoảng 55%  và khoảng 70% ở các nước công nghiệp có mức thu nhập cao. Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2001-2005, đưa tỷ trọng của khu vực này lên tới 42% tổng GDP vào năm 2005.

  • Lệ Hà
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xuất khẩu thuỷ sản tăng trên 40% trong quý I (21/03/2003)
Hải quan cấp phép XNK văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (21/03/2003)
Kinh tế Việt Nam có triển vọng thứ hai châu Á (21/03/2003)
Giá dầu thế giới giảm nhanh sau khi Mỹ tấn công Iraq (20/03/2003)
Sẽ có nhiều hàng ''độc'' ở Hội chợ Hàng VN chất lượng cao (20/03/2003)
Truyền hình chiến sự giữ chân người tiêu dùng Mỹ ở nhà (20/03/2003)
Lúa chín vàng không có người thu hoạch (20/03/2003)
''Thương mại không làm giàu, làm nghèo ai'' (20/03/2003)
Giải thưởng The Guide Awards hâm nóng ngành du lịch (20/03/2003)
Trung Quốc cho Việt Nam vay ưu đãi 126 triệu USD (20/03/2003)
Prudential mở Trung tâm phục vụ khách hàng tại Đà Lạt (20/03/2003)
Họa vô đơn chí (20/03/2003)
Bao giờ TTCK Việt Nam có quỹ đầu tư? (19/03/2003)
Sẽ đàm phán đình chỉ vụ kiện cá tra, basa vào tháng 4 (19/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang