Ngành quảng cáo - được bảo hộ hay bị trói chân?
11:56' 21/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Hẳn là với mục đích bảo hộ ngành quảng cáo Việt Nam, ngay trong Nghị định mới nhất, Chính phủ vẫn không cho phép các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này. Cách làm này thực ra có hiệu quả hay không? VietNamNet đã ghi lại ý kiến từ các công ty quảng cáo trong và ngoài nước...

Luật là luật, nhưng vẫn có kẽ hở...

Trả lời VietNamNet, đa số các chuyên gia trong ngành cho biết, tuy không được ký hợp đồng quảng cáo trực tiếp với các phương tiện truyền thông, nhưng các công ty quảng cáo nước ngoài vẫn hoạt động bình thường tại Việt Nam.

Trong Nghị định 24/2003/NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh quảng cáo, Điều 21 về hoạt động quảng cáo có yếu tố nước ngoài nêu rõ: ''Tổ chức, cá nhân Việt Nam có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo... được hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân nước ngoài để kinh doanh dịch vụ quảng cáo dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh và chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư''. Như vậy, Nghị định không cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

''Họ thường thuê một doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo Việt Nam ký hợp đồng với báo, đài, và trả một khoản phí cho doanh nghiệp. Vô hình trung, những doanh nghiệp đó trở thành... hòm thư cho họ'', ông Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty Quảng cáo Viên Minh (VMC) nói. ''Những ''hòm thư'' này thực chất chỉ kinh doanh con dấu và tư cách pháp nhân của họ, chứ không mấy khi làm quảng cáo thực sự!''.

Cái giá của ''quyền hoạt động quảng cáo'', thực ra rất rẻ mạt. Có thể nói, các công ty nước ngoài đã ''né luật'' chỉ với một chi phí nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chẳng hề được lợi gì từ việc này, trừ một khoản hoa hồng không đáng kể. Thậm chí, hiện nay nhiều công ty không sử dụng những ''hòm thư'' như vậy nữa. Họ tự lập ra công ty 100% vốn Việt Nam, được đứng tên bởi một nhân viên của chính công ty nước ngoài nhưng mọi hoạt động đều do công ty nước ngoài tiến hành.

Thêm vào đó, sự cấm đoán này khiến Nhà nước thất thu thuế không ít. Nhà nước chỉ có thể đánh thuế trên phần hoa hồng mà công ty nước ngoài chia sẻ cho doanh nghiệp trong nước, mà phần này, như trên đã nói, quá nhỏ so với khoản mà công ty nước ngoài nhận từ khách hàng (doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, dịch vụ). ''Chính phủ có cấp phép cho công ty nước ngoài hoạt động quảng cáo đâu mà thu thuế của họ? Như vậy, chính Nhà nước đã tạo kẽ hở cho họ lách luật...'', một chuyên gia trong ngành nói.

Để nâng sức cạnh tranh, có nhiều cách tốt hơn...

Trả lời phỏng vấn của VietNamNet, một luật gia của Công ty Phạm và liên danh cho biết, việc hạn chế hoạt động quảng cáo không phù hợp với tinh thần chung của Chính phủ trong việc khuyến khích phát triển doanh nghiệp: ''Từ chuyện đăng ký kinh doanh đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp đều đã được mở khá thông thoáng, vậy mà việc quảng bá, khuếch trương sản phẩm, dịch vụ lại vẫn bị hạn chế. Đó là điểm không hợp lý. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hiện hầu hết các lĩnh vực đều đã được mở, tại sao quảng cáo lại là ngoại lệ? Theo tôi, các nhà làm luật không nên chỉ nhìn lĩnh vực này dưới góc độ quản lý đơn thuần, mà nên thấy cả hiệu quả thương mại của nó nữa''.

Một chuyên gia quảng cáo có tiếng khẳng định với VietNamNet: ''Bảo hộ theo cách đó không phải là hướng đúng. Nếu muốn giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, Chính phủ có thể dùng nhiều biện pháp khác. Thí dụ, khi cấp phép cho các công ty quảng cáo nước ngoài, Chính phủ có thể ràng buộc họ trong những cam kết đào tạo nhân viên người Việt Nam, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam... Thậm chí, Chính phủ có thể quy định các quảng cáo phát hành trên đất Việt Nam phải được quay hay chụp ảnh ở Việt Nam. Những cách này đều giúp người Việt Nam nâng cao tay nghề làm quảng cáo, nâng cao sức cạnh tranh...''

Ông Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty Quảng cáo VMC, còn khẳng định, nếu Chính phủ cho nước ngoài tự do đầu tư vào lĩnh vực này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi không ít. ''Họ sẽ phải tự nâng chính mình lên để cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng. Hơn nữa, họ cũng học tập được nhiều hơn từ các đối thủ nước ngoài'', ông Bình khẳng định.

Dù được ''bảo hộ'', vẫn không thể cạnh tranh trên sân nhà

Một chuyên gia của Công ty Quảng cáo Dentsu cho biết, hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới khi đến Việt Nam vẫn sử dụng dịch vụ quảng cáo của một công ty nước ngoài - trong khuôn khổ chiến lược toàn cầu của họ. ''Doanh nghiệp Việt Nam không thể nào kiếm được những hợp đồng lớn như vậy. Thí dụ, một công ty máy tính Mỹ khi bán hàng tại Việt Nam không bao giờ thuê doanh nghiệp Việt Nam làm quảng cáo mà thường ''kéo'' luôn đối tác làm quảng cáo cho họ ở bên Mỹ vào Việt Nam. Nhiều khi doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm cho họ công đoạn cuối cùng, nghĩa là vẽ ý tưởng của họ lên một cái biển và treo ở một ngã tư nào đó''.

Tuy vậy, DN Việt Nam vẫn có sân chơi riêng. Một chuyên gia của Công ty Goldsun khẳng định, không một công ty quảng cáo nước ngoài nào được làm quảng cáo ngoài trời (panô, bảng, biển, áp phích, băng rôn...) tại Việt Nam. Lý do là chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mới đủ tư cách đi thuê diện tích, làm việc với các cơ quan văn hóa - thông tin...

Ông Lê Thanh Bình còn cho biết thêm, chi phí làm quảng cáo của các công ty nước ngoài thường rất lớn, mà một trong những lý do là họ đầu tư khá tốn kém cho dữ liệu thị trường. ''Không phải khách hàng nào cũng dám thuê họ. Vì thế, chúng tôi vẫn có khách hàng của mình'', ông Bình nói. Thêm vào đó, nhiều công ty quảng cáo nước ngoài muốn vào Việt Nam làm ăn, trong khi những khách hàng lớn của họ lại chưa có cơ sở tại Việt Nam. ''Vì vậy, tuy họ nổi tiếng ở nước ngoài, nhưng lại chưa được biết đến ở Việt Nam. Họ phải dựa vào chúng tôi để thâm nhập thị trường này'', ông Bình khẳng định.

Bảo hộ đến bao giờ?

Lãnh đạo một doanh nghiệp quảng cáo 100% vốn trong nước chia sẻ với VietNamNet: ''Tôi ủng hộ việc bảo hộ trong thời gian đầu. Bây giờ là thời mở cửa rồi, phải để các doanh nghiệp Việt Nam tự đối mặt với những thách thức. Có như vậy họ mới mạnh lên được. Chính phủ luôn yêu cầu hội nhập, nhưng nếu Việt Nam không làm đúng những cam kết với các quốc gia khác về tự do hóa thương mại và đầu tư thì đến bao giờ mới hội nhập thực sự?''.

Chị cũng nhắc lại chuyện tập đoàn quảng cáo Thompson (Mỹ) vào TP.HCM xin được giấy phép hoạt động quảng cáo, rồi lại bị Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam phản đối kịch liệt. ''Tôi thấy Mỹ đã thực hiện Hiệp định thương mại song phương, không cấm các doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ hoạt động quảng cáo, thì Việt Nam cũng nên làm như vậy với công ty Mỹ'', chị nói.

  • Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Doanh nghiệp nghĩ gì trước quy định mới của Chính phủ về quảng cáo?
Tập đoàn quảng cáo lớn nhất Nhật Bản lập công ty tại Việt Nam
Năm 2004, ngành quảng cáo sẽ hồi phục?
Không được ngắt phim truyện quá 2 lần để quảng cáo
Quản lý hoạt động quảng cáo ở HN: Sẽ không gây phiền hà?
CÁC TIN KHÁC:
UNDP giúp Việt Nam 2,55 triệu USD thúc đẩy thương mại dịch (21/03/2003)
Xuất khẩu thuỷ sản tăng trên 40% trong quý I (21/03/2003)
Hải quan cấp phép XNK văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (21/03/2003)
Kinh tế Việt Nam có triển vọng thứ hai châu Á (21/03/2003)
Giá dầu thế giới giảm nhanh sau khi Mỹ tấn công Iraq (20/03/2003)
Sẽ có nhiều hàng ''độc'' ở Hội chợ Hàng VN chất lượng cao (20/03/2003)
Truyền hình chiến sự giữ chân người tiêu dùng Mỹ ở nhà (20/03/2003)
Lúa chín vàng không có người thu hoạch (20/03/2003)
''Thương mại không làm giàu, làm nghèo ai'' (20/03/2003)
Giải thưởng The Guide Awards hâm nóng ngành du lịch (20/03/2003)
Trung Quốc cho Việt Nam vay ưu đãi 126 triệu USD (20/03/2003)
Prudential mở Trung tâm phục vụ khách hàng tại Đà Lạt (20/03/2003)
Họa vô đơn chí (20/03/2003)
Bao giờ TTCK Việt Nam có quỹ đầu tư? (19/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang