|
Đời sống của hàng trăm nghìn người nuôi cá tra, basa đang bị đe dọa. | (VietNamNet) - Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cho rằng, trong quá trình toàn cầu hóa, khả năng giàu nghèo của các nước phụ thuộc chính năng lực của Chính phủ, của DN và cá nhân quốc gia đó. TS. Lê Đăng Doanh, Cố vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, cũng nhấn mạnh: "Thương mại tự nó không làm các nước thoát khỏi lạc hậu và đói nghèo, mà chỉ là cơ hội để XĐGN''.
Những ý kiến này được đưa ra tại cuộc tọa đàm ''Thương mại, toàn cầu hóa và vượt qua đói nghèo'', diễn ra ngày 19/3 tại Hà Nội, do Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Báo DĐDN và các tổ chức phi chính phủ Oxfam, ActionAid tổ chức. Điều đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của đại diện Ủy ban Ngân sách, Pháp luật... của Quốc hội, cùng 25 đại biểu QH các tỉnh Đăk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Hà Nội, Ninh Thuận, Hà Tây...
''Trong khi hội thảo đang bàn đến các biện pháp về thương mại, toàn cầu hóa và chính sách vượt qua đói nghèo, thì giờ giải lao, tôi và các đại biểu lại được phục vụ chè Lipton của Anh, ăn bánh ngọt Apolo và uống cà phê Malaysia. Không ủng hộ hàng nội địa, vậy, chúng ta làm sao xóa đói giảm nghèo?''. Các đại biểu cười ồ khi ông Vũ Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Thương mại), góp ý. |
Một nghiên cứu của tổ chức Oxfam cho thấy, thế giới đang phát triển cứ nhận được 1 USD viện trợ lại bị ''thó'' 2 USD do rào cản thương mại không công bằng của các nước phát triển dựng lên. Thương mại bất công làm cho các nước nghèo thiệt 100 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, cứ 100 USD được tạo ra trong xuất khẩu của thế giới thì 97 USD chảy vào các nước có thu nhập cao và trung bình, chỉ 3 USD là đến các nước nghèo.
Việt Nam không thể tránh tác động của toàn cầu hóa và các rào cản thương mại. Người dân cà phê Đăk Lăk khốn khổ bởi cà phê sụt giá thê thảm; hàng trăm nghìn người nuôi cá tra, basa ĐBSCL lao đao vì vụ kiện bán phá giá phi lý của Hoa Kỳ, và đời sống người trồng lúa bấp bênh theo sự phập phù, được mất của mùa vụ và giá lúa. ''Các rào cản không bao giờ dừng lại. Như đối với hàng thuỷ sản, trước đó, các nước đã kiểm tra mức độ nhiễm vi khuẩn, nay là dư lượng kháng sinh, hết Chloramphenicol đến Nitrofurans. Họ chỉ dựa vào thiết bị công nghệ, khả năng phát hiện của máy móc để đưa ra mức cho phép đối với thuỷ sản nhập khẩu, mà không cần biết mức độ bao nhiêu mới ảnh hưởng đến sức khoẻ con người'', Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, bức xúc.
Theo Thứ trưởng Lương Văn Tự, mặc dù luật chống bán phá giá và tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khá ''fair'', song, một số quốc gia thành viên đã sử dụng nó như công cụ để áp đặt mức thuế cao nhằm bảo hộ hàng trong nước. Việt Nam đã 8 lần bị kiện bán phá giá. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ đạt 3 triệu USD đã bị kiện (vụ bật lửa gas), trong khi chúng ta nhập siêu từ thị trường này trên 1 tỷ USD. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, WTO không phải tổ chức hoàn hảo và cần được cải tiến. ''Chúng ta không nên tung hô, cũng chẳng phê phán nó'', ông Vũ Quốc Khánh nói.
Vấn đề vướng nhất được các đại biểu đưa ra mổ xẻ là làm thế nào để Việt Nam vừa tăng trưởng, tránh được tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và rào cản thương mại; đồng thời, vừa xóa được đói nghèo. Theo TS. Lê Đăng Doanh, trong khi 50,7% hàng xuất khẩu là nguyên liệu thô, chỉ 5% có hàm lượng công nghệ cao, Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu, phát huy tối đa năng lực cạnh tranh và tập trung vào một số mặt hàng chủ lực, như TP.HCM vừa lựa chọn 8 mặt hàng công nghiệp chủ lực.
Thứ trưởng Lương Văn Tự lưu ý, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng năng lực của các cơ quan quản lý; kiến nghị các đại biểu quốc hội cần xây dựng những nguyên tắc, luật lệ phù hợp với quá trình hội nhập, tránh tình trạng luật được sửa đổi đột ngột, làm đi làm lại. Điều đặc biệt là xây dựng hiệp hội ngành hàng, bởi khi đó, vai trò nhà nước trong quản lý trực tiếp giờ đã chuyển sang gián tiếp. Nếu không đủ mạnh, các hiệp hội sẽ không bảo vệ được ngành sản xuất của mình cũng như bảo vệ các thành viên.
|