DN quản lý cụm CN làng nghề tốt hơn Nhà nước?
07:46' 13/03/2003 (GMT+7)
Nhiều làng nghề cần được đưa vào khu vực sản xuất tập trung (cụm công nghiệp).

(VietNamNet) - Không ''hoành tráng'' như khu công nghiệp (KCN) tập trung hay khu chế xuất (KCX), nhưng các KCN nhỏ và vừa, cụm công nghiệp làng nghề vẫn được đánh giá là có vai trò quan trọng, nhất là đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Vậy tại sao loại hình này lại chưa thực sự phát triển?

Các nhà khoa học đã ngồi lại với nhau để tìm câu trả lời.

Làm sao để có mặt bằng?

TS Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, KCNN&V là một trong những giải pháp tốt để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) có mặt bằng hoạt động, nhất là những DN sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không thể đặt trong khu dân cư. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc giải phóng mặt bằng để có đất lập KCNN&V, cụm công nghiệp đã trở nên thực sự nhức nhối. Một trường hợp điển hình là Hà Tây - tỉnh hiện chưa có một KCNN&V nào đi vào hoạt động, chủ yếu do ''vướng'' mặt bằng. Tình hình giải phóng mặt bằng ở cụm CNN&V An Khánh ''gay cấn'' đến mức các DN đã ''trót'' bỏ vốn đầu tư phải gửi đơn lên tận Thủ tướng Chính phủ nhờ can thiệp.

UBND tỉnh Hà Tây đã dự thảo ''Quy hoạch đất phát triển làng nghề tỉnh Hà Tây đến năm 2010'', theo đó, tỉnh cần xây dựng 109 điểm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, Hà Tây dự kiến đến năm 2010 chỉ có thể xây dựng 80 điểm công nghiệp làng nghề, bình quân diện tích là 8-10 ha/điểm. Đến nay, tất cả những điểm, KCNN&V của tỉnh này mới trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Theo một chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, biện pháp căn bản để gỡ vướng cho giải phóng mặt bằng là một khung pháp lý hoàn chỉnh, trong đó Luật Đất đai là trụ cột. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường mới hoàn thành dự thảo đầu tiên để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai hiện hành, lại xin thêm thời gian do có nhiều bất đồng. Như vậy, đạo luật ''nhạy cảm'' này sẽ chưa thể được thảo luận trước Quốc hội vào kỳ họp thứ 3 tới.

Ông Đỗ Văn Hải, Cục trưởng Cục Phát triển DNN&V (Bộ KH-ĐT) lại cho rằng, vấn đề chủ yếu của công tác giải phóng mặt bằng là việc chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. ''Thêm nữa, đất thì không thể nở ra được. Các địa phương phải biết tận dụng diện tích của mình, đặc biệt cần chấm dứt chuyện có đất mà không sử dụng lại cho thuê để kiếm lời''. TS. Trần Kim Hào, Phó Ban doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) thì khẳng định, nếu chính sách giá cả và thủ tục đền bù đất cho dân rõ ràng và được thi hành nghiêm chỉnh hơn thì tốc độ giải phóng mặt bằng có thể được đẩy nhanh đáng kể.

Hãy để DN làm những gì mà họ tự làm được

Một vấn đề đang được tranh cãi, chưa ngã ngũ là quản lý KCNN&V, cụm CN làng nghề. Chính phủ, chính quyền địa phương quản lý hay giao cho DN? Trước nay các tỉnh vẫn lập ban quản lý cho KCNN&V (theo quy định của Nghị định 36/CP). Mô hình này khiến các DN nhiều khi ngần ngại vào KCNN&V do ''sợ bị quản lý chặt hơn'', như TS. Trần Kim Hào phản ánh.

Ông Nguyễn Hoàng Lưu, Tổng thư ký Hiệp hội các DNN&V Hà Nội khẳng định, mô hình công ty cổ phần là thích hợp nhất với KCNN&V, cụm CN, vì đó là tổ chức có tư cách pháp nhân rõ ràng, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình. ''Trong khi đó, chính quyền xã, huyện chỉ là cơ quan hành chính, khi đi vay vốn hay làm những hoạt động khác đều gặp khó khăn, lại không rõ ràng về mặt trách nhiệm'', ông Lưu nói.

TraoTại Hà Nội, năm 2002, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện 10 cụm công trình trọng điểm, trong đó có 5 cụm CNN&V. Theo kế hoạch phát triển công nghiệp từ nay đến năm 2010, thành phố sẽ mở rộng và xây mới hơn 20 KCN và cụm sản xuất công nghiệp tập trung theo quy hoạch.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quang (Sở KH-ĐT Hà Nội) lại cho rằng, khó có thể tìm được DN nào chịu đầu tư vào cụm công nghiệp làng nghề, nhất là ở vùng nông thôn. ''DN bao giờ cũng đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, mà thu lợi nhuận từ những hộ cá thể, DNN&V thì rất lâu hoàn vốn. Vì vậy, theo tôi nên để một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước đầu tư và quản lý KCNN&V, vẫn có thu và được Nhà nước hỗ trợ'', ông Quang nói.

Đồng tình với ý kiến giao cho DN quản lý KCNN&V, nhưng một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại đề xuất, đó có thể là DNNN hoặc DN dân doanh. Hình thức cụ thể tuỳ thuộc vào điều kiện của địa phương, nhất là tình hình tài chính. ''Địa phương nào mà kinh tế dân doanh còn quá yếu thì Nhà nước hỗ trợ, còn nếu dân làm được thì hãy để họ làm, có khi hiệu quả còn cao hơn'', vị chuyên gia này đề xuất.

Ông Đỗ Văn Hải, Cục trưởng Cục Phát triển DNN&V trao đổi với các chuyên gia trong ngành một kinh nghiệm thú vị mà ông đã gặp ở Nhật Bản. ''20 DNN&V đã cùng nhau lập nên một công trường DNN&V. Họ tự thuê đất, tự xây dựng cơ sở hạ tầng, tự lập Ban quản lý. Nhà nước chỉ thu tiền thuê đất'', ông Hải kể. Ông cũng cho rằng, Việt Nam khó có thể làm như vậy bởi DN Việt Nam còn yếu, chưa có kinh nghiệm trong những việc như vậy. ''Nhưng ít nhất chúng ta cũng học được ở họ cách để DN tự chủ trong những việc họ có thể tự làm'', ông Hải nói.

Nhà nước có thể hỗ trợ bằng nhiều cách...

Theo ông Nguyễn Hoàng Lưu, Tổng thư ký Hiệp hội các DNN&V Hà Nội, DN rất cần được hỗ trợ về vốn, mặt bằng, nhất là hỗ trợ kỹ thuật. Có nhiều nơi đang để tư nhân ''bao'' tất cả những dịch vụ đó , nhưng ông Lưu cho rằng, nên kết hợp hoạt động của cả Nhà nước và tư nhân. ''Chính quyền có thể xây dựng những trung tâm hỗ trợ kỹ thuật ngay trong cac KCNN&V, các cụm công nghiệp làng nghề, để DN mỗi khi có nhu cầu khỏi phải tự mày mò hoặc lên tận Trung ương nhờ giúp đỡ'', ông Lưu nói.

Ông Nguyễn Đức Quang (Sở KH-ĐT Hà Nội) bổ sung thêm, Nhà nước có thể hỗ trợ cơ sở hạ tầng ''ngoài hàng rào'' (bên ngoài các KCNN&V). ''Các DN rất cần đường sá, phương tiện để vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa ra - vào KCNN&V. Nếu Nhà nước quan tâm đến hạ tầng xung quanh KCNN&V thì DN sẽ giảm được rất nhiều chi phí đầu tư của mình'', ông Quang đề xuất.

Chủ trương xây dựng KCNN&V, cụm CN làng nghề được thể chế hóa trong một số quy định của Chính phủ như Quyết định 132/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp DNN&V. Tuy nhiên, việc quản lý loại hình KCN này vẫn dựa vào Nghị định 36/CP ngày 24/04/1997 của Chính phủ về ban hành Quy chế Khu công nghiệp - Khu chế xuất - Khu công nghệ cao.

Bên cạnh đó, hầu hết các chuyên gia kiến nghị cần có văn bản pháp lý riêng cho KCNN&V cũng như cụm công nghiệp làng nghề, bởi chúng có đặc trưng rất khác KCN tập trung hay KCX. ''Ngay cả khái niệm thế nào là KCNN&V, là cụm làng nghề còn chưa có cách hiểu thống nhất thì sao có thể quản lý tốt được?'', TS Đinh Văn Ân nói. Còn theo ông Đỗ Văn Hải, Cục trưởng Cục Phát triển DNN&V, khi Chính phủ chưa đưa ra được một văn bản như vậy thì cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Nghị định 36/CP về KCN, KCX, để KCNN&V, cụm công nghiệp làng nghề có chỗ dựa pháp lý vững chắc trên đường phát triển.

  • Trịnh Hằng

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
SBV kêu gọi các ngân hàng đa dạng hoá dịch vụ (12/03/2003)
TP.HCM đã chọn được sản phẩm công nghiệp chủ lực (12/03/2003)
Các DN xe máy xin được gặp UBTV Quốc hội (12/03/2003)
6,5 triệu USD cho xóa đói giảm nghèo vùng cao (12/03/2003)
Rút giấy phép 3 đầu mối nhập khẩu xăng dầu (12/03/2003)
Khởi động đường dây 500kV thứ hai (12/03/2003)
Bảo hiểm rủi ro chiến tranh cho hàng xuất khẩu (12/03/2003)
Mua tạm trữ 70.000 tấn muối (12/03/2003)
Quốc hội chưa thảo luận Luật Đất đai sửa đổi trong kỳ họp tới (11/03/2003)
Lần đầu tiên xuất khẩu giỏ thêu đay sang Nhật (11/03/2003)
Khai trương Ngân hàng Chính sách xã hội (11/03/2003)
Reuters: ''Việt Nam luôn là điểm đến du lịch an toàn'' (11/03/2003)
Mỳ, phở ăn liền có triển vọng "xuất ngoại" (11/03/2003)
Giá cá tra, basa tăng lên 11.000 đồng/kg (11/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang