|
Sẽ xử lý nghiêm các đại lý xăng dầu ''găm hàng'', đầu cơ trục lợi. | (VietNamNet) - Ngày 11/3, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đồng ý để Bộ Thương mại rút giấy phép nhập khẩu xăng dầu của Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty XNK Vật tư đường biển và Công ty Xăng dầu Quân đội do không thực hiện đúng chỉ tiêu nhập khẩu được giao.
Thủ tướng cũng đồng ý để Bộ Thương mại giao cho Công ty Xăng dầu Hàng không chỉ được nhập khẩu nhiên liệu máy bay, không nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu khác. Ngoài ra, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam bị Thủ tướng phê bình vì đã không chỉ đạo và kiểm tra hai DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu thuộc tổng công ty này là Công ty Thương mại Dầu khí (Petechim), Công ty Chế biến và kinh doanh dầu mỏ (PDC) thực hiện chỉ tiêu nhập khẩu được giao.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Thương mại, UBND các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra và thu hồi giấy phép các đơn vị, cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã ''găm hàng'', đầu cơ trục lợi, gây nên cơn sốt ảo xăng dầu thời gian vừa qua. Các đơn vị vi phạm phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu để có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc, thích đáng. Những hành vi đầu cơ sẽ bị Bộ Công an điều tra làm rõ, nếu đủ cơ sở sẽ bị khởi tố, xử lý theo pháp luật.
Tuy thông tin chưa được công bố nhưng việc rút giấy phép nhập khẩu của Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp còn liên quan đến những sai phạm ở công ty này thời gian qua. Công ty này đã lợi dụng được phép nhập khẩu để tạm nhập xăng dầu nhưng không tái xuất mà tuồn vào tiêu thụ trong nước, thông qua đó trốn thuế đến hàng trăm tỷ đồng.
Một đơn vị xăng dầu bị đề nghị rút giấy phép cho rằng, tuy họ chưa đảm bảo được chỉ tiêu nhập khẩu được giao nhưng không ''đến nỗi'' bị rút giấy phép. Nguyên nhân là giá nhập khẩu xăng dầu lên quá cao trong khi cơ chế bù lỗ của Nhà nước cho DN rất khó khăn. Hơn nữa, cơn sốt xăng dầu vừa qua trực tiếp là do một số cơ sở kinh doanh xăng dầu ''găm hàng'', đầu cơ trục lợi chứ không trực tiếp từ việc giảm lượng xăng dầu nhập khẩu của các đầu mối này.
Nếu tính đến hệ quả của việc rút giấy phép, các đại lý xăng dầu của các đơn vị bị rút giấy phép sẽ phải đóng cửa hoặc nhập lại từ các đầu mối khác. Riêng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty không thể chủ động các nguồn dự trữ xăng dầu cho quốc phòng do phụ thuộc vào các đầu mối khác. Việc rút giấy phép một số công ty cũng tăng ''đặc quyền'' cho Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, đơn vị chiếm khoảng 65% lượng xăng dầu nhập khẩu. Sau khi 3 đơn vị nói trên bị rút giấy phép, cả nước sẽ còn lại 8 đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Theo ý kiến một số DN xăng dầu bên ngoài, việc đề nghị rút giấy phép nhập khẩu một số DN liên quan đến cơn sốt ảo xăng dầu có vẻ như ''thiên vị'' khi chưa xem xét đến hoàn cảnh khó khăn của các DN này. Trong khi đó, nhiều trường hợp phát hiện đầu cơ, tích trữ xăng dầu, trong đó có hai cá nhân thuộc Tổng công ty Xăng dầu bị Công an Hà Nội đề nghị kỷ luật thì đến nay chưa thấy động thái gì.
|