Mỳ, phở ăn liền có triển vọng "xuất ngoại"
17:51' 11/03/2003 (GMT+7)
Mì ăn liền - đồ ăn nhanh của xã hội công nghiệp.

Theo ông Namie Soichi, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất mì, phở ăn liền Vifon-Acecook (VA - liên doanh giữa Vifon của Việt Nam với Acecook của Nhật), đến năm 2002, nhu cầu mì ăn liền trên toàn cầu khoảng 50 tỷ gói/năm. Ông nói: "Đây chính là một thị trường rộng lớn để ngành công nghiệp mì ăn liền Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu".

Ông Namie kể: "Cứ một người Nhật sang Việt Nam du lịch về thì lại kháo cho khoảng 30 người biết về phở Việt Nam... ". Theo ông, phở Việt Nam giờ đã được biết đến như một món ăn độc đáo, giàu bản sắc. "Tôi tin phở ăn liền sẽ trở thành một loại thực phẩm xuất khẩu đứng hàng nhất, nhì của Việt Nam trong những năm tới".

Vifon hiện đang có chương trình hợp tác với Acecook của Nhật để cải thiện sợi phở ăn liền của Việt Nam. Trong lúc Việt Nam đang loay hoay cải tiến thì Trung Quốc, một nước có công nghệ sản xuất mì ăn liền không hơn Việt Nam, đã thừa cơ sản xuất phở ăn liền để xuất khẩu sang Nhật. "Nhưng đó chỉ là loại hàng nhái, vì phở là đặc sản của Việt Nam. Với thời gian, phở Việt Nam sẽ được thế giới ưa chuộng", ông Namie khẳng định. 

Có thể lọt vào "top 5"?...

Ngày nay, mì ăn liền đã trở thành loại thực phẩm khá phổ biến ở Mỹ, châu Âu và cả châu Phi, với mức tăng bình quân khoảng 2 tỷ gói/năm. "Top 5" dẫn đầu xuất khẩu gồm Nhật (sản xuất 5,3 tỷ gói/năm), Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia. Việt Nam hiện có khoảng 40 đơn vị sản xuất mì ăn liền với sản lượng khoảng 2,5 tỷ gói/năm, trong đó, xuất khẩu 900 triệu gói đạt kim ngạch khoảng 50 triệu USD. Nhưng việc xuất khẩu mới chỉ tập trung ở một số thị trường như Mỹ, Đông Âu, Campuchia. 

TS. Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho rằng: Việt Nam hoàn toàn có cơ hội lọt vào "top 5" xuất khẩu mì ăn liền trên thế giới nếu có những cải tiến chất lượng sản phẩm và đổi mới công nghệ kịp thời. Tuy nhiên, lâu nay, các nhà sản xuất mì ăn liền ở Việt Nam hầu như mới chỉ tập trung cạnh tranh tại thị trường nội địa với mức tiêu thụ khoảng 1,6 tỷ gói/năm, trong đó 11 DN hàng đầu đã chiếm hết 80% thị phần. Ngay như VA, chiếm đến 49% thị phần trong nước, doanh số năm 2002 đạt 610 tỷ đồng nhưng xuất khẩu năm 2002 cũng chỉ đạt 5% tổng doanh số. 

Theo một số chuyên gia, hiện đã phát hiện nhiều nhãn hiệu mì ăn liền của Việt Nam bị nhái ở thị trường Đông Âu và Nga. Điều đó cho thấy một số DN Việt Nam đã tạo được chất lượng, uy tín, có thể ra thế giới cạnh tranh. Song cũng chính trong các nhà sản xuất mì ăn liền Việt Nam hiện còn không ít đơn vị làm ăn chụp giật, cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn đến tình trạng "ta tự giết ta", như việc hạ giá liên tục từ 0,8 cent xuống 0,7 rồi 0,5 cent/gói tại một số nước Đông Âu. 

Ông Namie nói: "Nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền trên thế giới còn tăng. Nếu các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp lý hoá sản xuất, có một số điều kiện ưu đãi thì sẽ tạo được ưu thế cạnh tranh và sẽ là ngành xuất khẩu lớn sau dầu khí, hải sản, dệt may - da giày, gạo và cà phê".

(Theo Lao Động)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Giá cá tra, basa tăng lên 11.000 đồng/kg (11/03/2003)
Khánh Hòa sốt tôm sú giống (11/03/2003)
Việt Nam tham gia đấu thầu gạo ở Philippines (11/03/2003)
USD tiếp tục mất giá (11/03/2003)
An Giang xuất khẩu điện sang Campuchia (11/03/2003)
Sẽ rút giấy phép hai DN kinh doanh xăng dầu? (11/03/2003)
Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất trong nhiều năm (11/03/2003)
Không nên chậm trễ mở đường bay trực tiếp Việt Nam - Hoa Kỳ (11/03/2003)
''Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện BTA'' (10/03/2003)
Sắp tổ chức ''Tuần lễ chứng khoán'' (10/03/2003)
''Không thể thiếu phòng cho SEA Games 2003'' (10/03/2003)
3 năm, 29 dự án cho vay từ Nhật Bản (10/03/2003)
Thành lập Tổ công tác giải quyết vụ việc ở Cụm CN An Khánh (10/03/2003)
Đưa công nghệ nông nghiệp Israel đến Việt Nam (10/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang