Ba trụ cột của chính sách đổi mới kinh tế
16:45' 07/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Phát biểu tại Hội nghị Doanh nghiệp châu Á lần thứ 13, hôm qua (6/3), Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết: "Theo cách hiểu của tôi, chính sách đổi mới kinh tế dựa trên ba trụ cột: một là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; hai là sử dụng cơ chế kinh tế thị trường; và ba là hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới".

Trụ cột một: liên quan tới chính sách kinh tế nhiều thành phần. Triết lý của chúng tôi là nguồn lực của toàn xã hội chính là động lực cho sự phát triển. Thể theo triết lý ấy, chúng tôi đã sử dụng chính sách mọi người dân đều được kinh doanh.Chúng tôi đã trải qua một thời kỳ dài từ chỗ chỉ có hai thành phần quốc doanh và hợp tác xã, ngày nay trong nền kinh tế Việt Nam đã có sáu thành phần, cùng được khuyến khích phát triển lâu dài, kể cả kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài.

Trong các thành phần kinh tế Việt Nam, tôi chỉ xin đề cập về hai thành phần mà dư luận nước ngoài hay quan tâm. Đó là kinh tế quốc doanh và kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Về kinh tế quốc doanh, khác với nhiều nước chuyển đổi khác, đối với kinh tế Nhà nước, chúng tôi không đi theo con đường tư nhân hóa ồ ạt. Vì chúng tôi cho rằng con đường ấy chỉ làm thất thoát tài sản quốc gia, đẩy người lao động tới chỗ bần cùng và đưa tới những bất ổn định xã hội. Vả lại trong nền kinh tế thế giới đầy bất trắc mà ngay trong những ngày này các vị đang chứng kiến, Nhà nước chúng tôi cần có những công cụ đủ sức đảm bảo sự ổn định của chính sách kinh tế - xã hội. Vấn đề chủ yếu không phải là hình thức sở hữu, mà là hiệu quả làm ăn kinh doanh. Không phải mọi doanh nghiệp nhà nước đều làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp tư nhân đều làm ăn có hiệu quả, kể cả các doanh nghiệp khổng lồ như ở nhiều nước. Với nhận thức đó, chúng tôi đã chọn con đường sắp xếp lại theo hướng Nhà nước chỉ nắm giữ và cố gắng nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp trọng yếu có tác động tới toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Còn đối với các doanh nghiệp khác, chúng tôi áp dụng hình thức cổ phần hóa, giao, bán, khoán, cho thuê, thậm chí phá sản nếu thua lỗ kéo dài.

Đi đôi với việc đổi mới các doanh nghiệp quốc doanh, chúng tôi đã khuyến khích các thành phần kinh tế khác phát triển mà nay đã chiếm gần 48% GDP, chưa kể các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 14%. Trong vòng chỉ hai năm sau khi Luật Doanh nghiệp được thông qua, đã có 53.000 doanh nghiệp tư nhân ra đời. Đó là chưa kể 3.700 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng được coi như một bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi chủ trương tiến tới xây dựng một bằng pháp lý chung cho các doanh nghiệp, từ đó tạo ra một sân chơi bình đẳng thông thoáng.

Về trụ cột thứ hai: triết lý của chúng tôi là nền kinh tế thị trường là một sáng tạo của nhân loại, có nhiều mặt tích cực cần được tận dụng để phát triển đất nước, đồng thời cũng có những mặt tiêu cực cần tránh để đảm bảo sự công bằng và lành mạnh hóa đời sống chính trị xã hội. Theo hướng này, các doanh nghiệp đều chủ động hoạt động theo tín hiệu thị trường trong và ngoài nước: giá cả, tỷ giá, lãi suất... đều được hình thành chủ yếu theo tín hiệu thị trường. Nhà nước chúng tôi chỉ điều hành ở tầm vĩ mô thông qua văn bản chính sách. Tôi rất ngạc nhiên trước việc ai đó không thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Ở nhiều nước, cơ chế này đã được hình thành từ mấy trăm năm nay, trong khi chúng tôi mới bước vào cơ chế này chưa đầy 20 năm. Do đó, đương nhiên chúng tôi có nhiều việc phải làm, để hình thành hoặc hoàn thiện những loại thị trường chưa có hoặc sơ khai như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng.

Một hệ quả không mong muốn của cơ chế thị trường là sự phân cực giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư và vùng miền. Đó là điều không thể chấp nhận được theo quan điểm của chúng tôi. Và vì vậy chúng tôi đặt ưu tiên cao cho chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo cơ hội đồng đều cho mọi người, mọi miền phát triển.

Về trụ cột thứ ba: triết lý của chúng tôi là không một quốc gia nào có thể phát triển biệt lập trong một thế giới mà tính tùy thuộc lẫn nhau rất cao; ngược lại, không một dân tộc nào có thể tận dụng được những cái mà thế giới có thể đem lại, nếu bản thân mình không đứng vững trên đôi chân mình.

Thể theo triết lý ấy, một mặt chúng tôi huy động tối đa nguồn lực của đất nước cả về vốn lẫn lao động, tài nguyên, thị trường... đồng thời ra sức mở rộng sự hợp tác quốc tế, hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới. Đây là một chính sách lớn, lâu dài; vấn đề chỉ là tốc độ hội nhập làm sao phù hợp với khả năng chịu đựng của nền kinh tế, không gây ra những đảo lộn lớn về kinh tế - xã hội.

(Trích bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Hội nghị DN châu Á lần thứ 13)

 

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Đẩy mạnh cải cách DNNN sẽ tiết kiệm các nguồn lực
CÁC TIN KHÁC:
Vietel sắp cung cấp thử nghiệm dịch vụ di động (07/03/2003)
''Khoa học trên trời, cuộc đời dưới đất'' (07/03/2003)
DN Việt Nam bị áp mức thuế 8,91-51,78% (07/03/2003)
Ngành thuỷ sản sẽ có cơ chế thông thoáng hơn? (07/03/2003)
Phát động chương trình ''ba giảm, ba tăng'' trong bảo vệ thực vật (07/03/2003)
Đẩy mạnh cải cách DNNN sẽ tiết kiệm các nguồn lực (07/03/2003)
VCB ''phá giá'' lãi suất (07/03/2003)
"Sẽ kìm hãm và tiến tới đưa giá đất xuống mức hợp lý" (06/03/2003)
''Việt Nam không có ý định cạnh tranh với Brazil về cà phê'' (06/03/2003)
Thành lập Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (06/03/2003)
Dân trồng mía Đăk Lăk phải đốt bỏ mía (06/03/2003)
Mở thầu xây dựng cầu Bãi Cháy (06/03/2003)
Giá vàng bấp bênh theo vùng Vịnh (06/03/2003)
Xuất cá kiếm sang Nhật phải có giấy thống kê (06/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang