|
Bình gas được đóng thiếu, người tiêu dùng không thể biết |
Tình trạng sang chiết gas trái phép từng rộ lên ở Hà Nội và kèm theo đó là những vụ nổ bình gas gây chấn động dư luận. Hiện tượng đó đã được chấn chỉnh, nhưng thời gian gần đây, hiện tượng đóng gas thiếu mà những người kinh doanh gas thường gọi là "rút ruột" bình gas lại tái diễn tại Hà Nội.
Nhiều hộ dân ở khu vực Dốc Thọ Lão (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng), khu vực Bạch Mai, Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) phản ánh về tình trạng các bình gas đóng thiếu so với trọng lượng thực hoặc gas hết nhanh như bị rút ruột. Những hộ dân này không gọi gas như thường lệ mà đến tận cửa hàng kinh doanh gas, nếu thấy bình nào không đủ trọng lượng thì nhất định không mua. Có hiện tượng một bình gas có thể thiếu tới 2kg, tức là chỉ nặng 23kg (trên thực tế mỗi bình nạp đủ phải là 24-26kg cả vỏ).
Chị Nguyễn Thanh Hương, 250 Minh Khai - một người phát hiện ra tình trạng đóng thiếu gas, nói: "Các bình gas bị đóng thiếu chủ yếu là bình nhập ngoại với quảng cáo của các chủ cửa hàng là gas này tốt, được sản xuất tại Thái Lan, Pháp...".
Chị Nguyễn Thu Huyền, Khu tập thể Khai thác cát, cho biết: "Gia đình tôi trước đây dùng khoảng 2 tháng hết một bình gas thì nay chỉ dùng được 1,5 tháng. Hôm vừa rồi, sau khi gọi gas, tôi đặt lên cân thử thì trừ đi trọng lượng 12,8kg vỏ bình, lượng gas trong bình chỉ còn 11kg".
Trên thực tế, còn rất nhiều trường hợp khác sau khi người tiêu dùng thắc mắc, cửa hàng lập tức đổi lại bình theo đúng tiêu chuẩn. Như vậy có thể nói tình trạng đóng thiếu gas là có xảy ra.
Những thủ đoạn sang chiết, "rút ruột" bình gas
Có hai thủ đoạn rút ruột bình gas chủ yếu được dùng hiện nay đó là: Các cửa hàng mua loại bình có trọng lượng lớn 45-48kg (không kể vỏ bình) với giá rẻ rồi về đóng bình gas có trọng lượng nhỏ hơn như loại 12-13kg (thực tế trọng lượng gas chỉ có 10,5-11,5kg không kể vỏ bình) hoặc rút ruột trực tiếp từ bình có trọng lượng 12-13kg để sang chiết vào bình gas du lịch.
Không cần nhiều dụng cụ, những cửa hàng sang chiết gas chỉ cần dùng một chiếc buli nhỏ 20.000 đồng rồi để ngửa bình gas có trọng lượng lớn cắm buli tiện và một ống cao su nối hai bình cho gas chuyển vào bình nhỏ.
Hiện nay, trên thị trường có hai loại van bình: loại van ngang và loại van chụp. Đối với bình van ngang, khả năng rút ruột nhiều hơn. Sau khi chiết xong, chủ hàng có thể dán lại nút nhựa niêm bình. Với các loại bình chính hãng thì trường hợp này xảy không nhiều, chủ yếu là các bình nhập ngoại trước đây còn lưu hành trên thị trường.
Ông Đặng Văn Khoa, Phụ trách Công nghiệp và Thương mại của Công ty liên doanh Total gas Hải Phòng chi nhánh tại Hà Nội cho biết: "Vì lợi nhuận, các cửa hàng có thể "rút ruột" bình gas còn việc nạp gas của chính hãng chủ yếu làm bằng hệ thống tự động nên ít có khả năng thiếu".
Kiểm tra định kỳ có đảm bảo... "an toàn"?
Hầu hết các hãng như: Shell, Total, Petrolimex, Petro Việt Nam... có kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường tại các đại lý, cửa hàng gas của hãng mình nhưng vẫn chưa phát hiện tình trạng rút ruột bình gas. Điều này có thể cho thấy, thủ đoạn rút ruột bình gas của các hãng kinh doanh rất tinh vi. Chủ yếu các hãng áp dụng kiểm tra định kỳ về việc hoạt động kinh doanh, ít khi kiểm tra về trọng lượng các bình gas đang kinh doanh tại cửa hàng. Đây có thể là mặt hạn chế mà chưa được các hãng phát hiện ra. Mặc dù các hãng liên tục có chương trình cải tiến bình gas, van chống ăn trộm gas nhưng đó chỉ là biện pháp đề phòng từ xa, còn đối với hành vi vi phạm như trên, các hãng chưa có biện pháp nào ngăn chặn.
(Theo Lao động) |