Vì sao hàng Trung Quốc có thể ''xâm lược'' cả thế giới?
14:11' 03/03/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng khu vực (1997-1998), Trung Quốc vẫn liên tục xuất siêu, vẫn bán được hàng trên khắp thế giới. Bí quyết của thành công này vừa được các chuyên gia kinh tế hàng đầu Trung Quốc chia sẻ với đồng nghiệp Việt Nam.

''Made in China - dòng chữ này đã trở nên quen thuộc với toàn thế giới

Tại hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, GS Zhang Yansheng, Viện trưởng Viện Kinh tế quốc tế và GS Zhang Liqing, Phó trưởng Khoa tài chính thuộc Đại học Kinh tế tài chính Trung ương Trung Quốc, đã tổng kết toàn bộ quá trình đổi mới kinh tế đối ngoại của nước này.

Thành công lớn nhất: cải biến mạnh mẽ cơ cấu hàng XK

Khó có quốc gia đang phát triển nào có thể làm được điều kỳ diệu như Trung Quốc khi thay đổi hoàn toàn cơ cấu hàng xuất khẩu của mình. ''Cú nhảy'' đầu tiên diễn ra vào năm 1986, khi kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vượt qua dầu mỏ, báo hiệu sự mở màn thời đại của những ngành sản xuất cần nhiều lao động hơn là chỉ dựa vào tài nguyên sẵn có (điều mà Việt Nam đến nay chưa làm được). Năm 1993, hàng dệt vẫn còn chiếm đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì chỉ hai năm sau lại bị một ngành hàng khác ''qua mặt'': máy móc và hàng điện tử. Như vậy, Trung Quốc đã đặt được bàn chân của mình vào lãnh địa của những công nghệ cao. Quan trọng hơn, điều này còn cho thấy, công cuộc cải cách kinh tế và mở cửa khiến Trung Quốc thay đổi một cách tích cực lợi thế cạnh tranh của mình. Điều này được TS Lê Đăng Doanh, cố vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, đánh giá là ''tiến bộ có ý nghĩa chiến lược''.
5 giai đoạn cải cách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc:

- 1979-1987: cải cách hệ thống ngoại thương nhằm vào việc loại bỏ sự độc quyền của Nhà nước. Chính quyền Trung ương lập ra chiến lược ngoại thương, chính quyền Trung ương và địa phương cùng chịu trách nhiệm đối với hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp được tự do tiến hành hoạt động kinh doanh ngoại thương.

- 1988-1990: việc cải cách nhằm vào các yếu tố thị trường khác như thiết lập thị trường ngoại hối, cho phép doanh nghiệp tự do mua bán ngoại hối... Chính phủ bắt đầu sử dụng các công cụ giá cả, tỷ giá hối đoái, lãi suất, chính sách thuế, tín dụng thương mại... để điều tiết hoạt động ngoại thương.

- 1991-1993: chuyển đổi hệ thống quản lý theo hướng thị trường, áp dụng những tiêu chuẩn ngoại thương quốc tế. Cho phép doanh nghiệp nắm giữ nhiều ngoại hối hơn.

- 1994-2001: cải cách một cách căn bản hệ thống quản lý ngoại thương theo hướng thị trường. Đổi mới hệ thống thuế, hạ thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng.

- 2001 đến nay: sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc nỗ lực thiết lập một hệ thống điều hành ngoại thương theo chuẩn mực quốc tế.

''Đó là một bước ''nhảy'' trước hết là trong tư tưởng'', GS Zhang Liqing cho biết, ''từ năm 1982, Thâm Quyến là địa phương đi tiên phong trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng các liên doanh dưới hình thức đấu thầu nhằm nâng cao quyền chủ động trong lĩnh vực lắp ráp, gia cộng, nghiên cứu phát triển sản phẩm... Đến năm 1990, các liên doanh ở Thâm Quyến đã đóng góp 63,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố. Đây chính là thành phần chính giúp Trung Quốc thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu của mình''.

Các chuyên gia Trung Quốc cho biết thêm, trong suốt thập kỷ 90, nước này không ngừng phát triển nền kinh tế theo hướng xuất khẩu, áp dụng những công nghệ tiên tiến, nâng cao tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu sử dụng công nghệ cao.

Vì sao hàng Trung Quốc rẻ thế?

Câu hỏi này được khá nhiều chuyên gia Việt Nam đặt ra cho các giáo sư Trung Quốc. GS Zhang Yansheng khẳng định, Trung Quốc biết tận dụng triệt để những lợi thế của mình. ''Các bạn có thể đến thăm những vùng như Triết Giang, Hoa Nam, giá lao động ở đó vô cùng rẻ. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất của chúng tôi có thể giữ được cả chi phí cố định và lưu động ở mức thấp, nên hàng hóa có tính cạnh tranh cao''. GS Zhang lấy thí dụ một chiếc TV màu 29 inch do Trung Quốc sản xuất giá chỉ 200-300 USD và bình luận ''những sản phẩm như vậy thừa sức chiếm lĩnh thị trường quốc tế''.

Thậm chí, GS Zhang Liqing còn tiết lộ, Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách nâng giá bán hàng xuất khẩu lên để cân đối với giá thị trường thế giới.

Trò chuyện với VietNamNet, PGS. TS Đỗ Đức Định (Viện Kinh tế thế giới) cho rằng, một lợi thế khác khiến Trung Quốc hạ được giá thành sản phẩm là giá thuê đất khá rẻ. ''Đó là chưa kể, vì nền kinh tế của nước này có quy mô lớn nên họ có thể tự cung cấp được những nguyên vật liệu cần thiết và một số máy móc thiết bị, thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu và chịu giá cao như nhiều nước khác'', PGS Định khẳng định.

Tại sao chưa tự do hóa kinh doanh XNK như Việt Nam?

Theo báo cáo của hai giáo sư Trung Quốc, đến tận cuối năm 1997 (khi Việt Nam đang tự do hóa hoàn toàn hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu), Chính phủ Trung Hoa mới cho phép các đơn vị thuộc đặc khu kinh tế thực hiện thí điểm đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu. Từ ngày 1/1/1999, nước này mới trao quyền các công ty quy mô lớn hơn, sau đó là các công ty công nghệ cao, các viện nghiên cứu khoa học...

Sự thận trọng trên được GS Zhang Yansheng giải thích là ''do trình độ quản lý xuất nhập khẩu của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa tốt, trong khi hoạt động này lại rất phức tạp''. Trao đổi với VietNamNet, PGS. TS Đỗ Đức Định lại nhìn nhận vấn đề theo hướng khác: ''Theo tôi, các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh xuất nhập khẩu của Trung Quốc làm ăn rất tốt, rất nghiêm chỉnh nên họ mới hạn chế bàn tay của tư nhân. Trong khi đó, ở Việt Nam, nếu không cho tư nhân bung ra làm thì khó có thể phát triển kinh tế đối ngoại như hiện nay''.

  • Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Tự tăng giá thép là hành động dại dột'' (03/03/2003)
"Vụ kiện tôm sú" có dấu hiệu thuận lợi hơn (03/03/2003)
Sẽ có 3 kho chứa gas ở 3 miền? (03/03/2003)
Ta đối phó với... ta (03/03/2003)
Phải công bố rõ thông tin đấu giá quyền sử dụng đất (03/03/2003)
''Yếu tố quyết định vẫn là thị trường'' (01/03/2003)
Mở lại đường bay Tuy Hoà - TP.HCM (01/03/2003)
Hải quan lúng túng, DN phập phồng (01/03/2003)
8.047 DN ở TP.HCM có thể bị rút giấy phép (01/03/2003)
Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã ''hết thời''? (01/03/2003)
Khách sạn được mở trò chơi điện tử có thưởng (01/03/2003)
Bán đấu giá DN Nhà nước đầu tiên tại Việt Nam (01/03/2003)
''Nông dân không nên dự trữ phân bón'' (01/03/2003)
Hà Nội: Kiến nghị kỷ luật lãnh đạo 2 công ty xăng dầu (01/03/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang