Sau quyết định bỏ giá trần thép xây dựng từ ngày 1/3/2003 của Bộ Tài chính, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường sẽ bình ổn hơn. Ông Vũ An Khang, Vụ phó Vụ Giá tư liệu sản xuất (Bộ Tài chính) cho rằng sẽ là dại dột nếu doanh nghiệp tự tăng giá thép.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam nhận định, việc bãi bỏ giá trần thép xây dựng phù hợp với bối cảnh thị trường thép Việt Nam hiện nay, vốn là thị trường cạnh tranh, chịu ảnh hưởng của quan hệ cung - cầu. Việc bỏ giá trần cũng giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất, không còn hạn chế về lượng hàng bán ra, tạo sân chơi bình đẳng về mặt bằng giá. |
- Liệu giá thép trong nước thời gian tới có tăng mạnh?
- Theo tôi, thị trường sẽ không có những biến động lớn nữa. Giá phôi thép trên thế giới hiện cũng đã lên đến mức cao, đang chững lại và khó có thể tiếp tục tăng nhiều. Thậm chí, giá phôi thép có xu hướng giảm. Khi đó, giá thép trong nước cũng sẽ giảm.
- Nhưng các doanh nghiệp có thể tự nâng giá hoặc có hành vi đầu cơ, găm hàng.
- Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt để hội nhập. Vì vậy, tự tăng giá sẽ là hành động dại dột. Theo tôi được biết, giá thép bị đẩy lên cao trong thời gian qua xuất phát từ hoạt động mua bán giữa các doanh nghiệp kinh doanh thép. Nhu cầu thép phục vụ các công trình xây dựng trong nước hiện chưa lớn đến độ tạo sốt như vậy. Sốt thép khó có thể tiếp tục xảy ra. Tới đây, Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại và Ban Vật giá sẽ tổ chức kiểm tra chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh thép để quản lý thị trường một cách chặt chẽ.
- Những trường hợp đầu cơ, găm hàng sẽ bị xử lý nghiêm?
- Chắc chắn là như vậy. Các doanh nghiệp đầu cơ hoặc liên kết với nhau để ép khách sẽ bị xử lý thật nặng theo quy định của Pháp lệnh giá và Luật Thương mại. Bên cạnh đó, sự độc quyền không còn tồn tại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thép cũng là yếu tố ngăn doanh nghiệp tùy tiện tăng giá. Theo cam kết trong AFTA, thuế nhập khẩu thép sẽ giảm, áp lực cạnh tranh từ phía các nhà sản xuất thép ASEAN đối với doanh nghiệp trong nước tăng lên rất nhiều. Thêm nữa, chính các doanh nghiệp trong nước cũng cạnh tranh mạnh với nhau, bởi khi năng lực sản xuất lên tới 4 triệu tấn/năm thì nhu cầu chỉ khoảng 2,5-3 triệu tấn/năm. Đó là một trong những cơ sở để Chính phủ đưa ra quyết định bỏ giá trần.
(Theo Tuổi Trẻ) |