|
Hải quan kiểm tra hàng hoá tại cửa khẩu. | Sau gần hai tháng thực hiện giá tính thuế đối với những mặt hàng nhập ''không thuộc danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế, không đủ điều kiện áp giá tính thuế theo hợp đồng'', ngành hải quan (HQ) tại nhiều địa phương đã tỏ ra lúng túng khi phải tổ chức khảo sát giá cho hàng nghìn mặt hàng. Vì đợi... giá, hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng trăm DN bị ngưng trệ.
DN: Kẻ chờ, người lo
''Chúng tôi vẫn phải chờ thông báo giá của HQ, hàng giải phóng rồi nhưng làm sao dám bán vì cơ sở đâu để xây dựng giá thành...'', chị Nguyễn Thị Mai - cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu của Công ty TNHH thương mại T & S - nói. Theo chị Mai, các mặt hàng linh kiện máy vi tính thường xuyên thay đổi giá, nếu chậm ngày nào là đơn vị khổ ngày đó.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt, hàng trăm DN sản xuất và kinh doanh thương mại trên địa bản TP.HCM và Đồng Nai hiện như đang ngồi trên đống lửa vì hàng nhập về không bán được là bị kẹt vốn, chưa kể nhiều hậu quả khác như cơ hội kinh doanh trôi qua, giá thị trường thay đổi, hàng lưu kho lâu ngày sẽ giảm chất lượng...
Một số DN kinh doanh hàng thực phẩm cho biết đã phải ''phá rào'' bán hàng trước khi xin được giá HQ, vì các mặt hàng thực phẩm không để lâu được trong khi có những trường hợp hàng tháng sau khi hàng về mới xin được giá HQ. ''Bán hàng là biện pháp chẳng đặng đừng, nhưng bán rồi lại lo không biết HQ kê giá thế nào, cao quá thì phải chịu lỗ...'', giám đốc một đơn vị kinh doanh hàng thực phẩm lo lắng nói.
Một số DN khác cho biết đang bị ''kẹt'' ở giữa, một bên là chờ giá của HQ và một bên là phía nước ngoài thúc giục phải thanh toán. ''Hàng đã lấy về rồi nhưng chưa hoàn tất thủ tục vì còn chờ giá, hồ sơ không có nên ngân hàng đâu chịu tháo khoán, DN mất uy tín với đối tác nước ngoài'', giám đốc một DN nói.
Hầu hết DN chờ xin giá đều lo lắng về mức giá cả do HQ xây dựng. Cán bộ phụ trách một công ty liên doanh sản xuất gạch men tại Đồng Nai cho rằng đơn vị đã tính toán giá một mặt hàng nguyên liệu nhập sao cho phù hợp với phương án sản xuất kinh doanh, nhập hàng giá nào cho có lợi, nếu để ngành HQ xây dựng giá sẽ làm đảo lộn mọi tính toán làm ăn. Theo giám đốc một công ty sản xuất hàng điện tử, mặt hàng này có hàng trăm đến hàng nghìn linh kiện, HQ khó mà xác định được giá. Chẳng hạn cùng một con IC nhưng nếu là IC ''trắng'' chỉ có giá khoảng 0,5 USD, còn IC đã viết chương trình lại có giá đến 200 USD.
Một bất hợp lý khác, theo các DN, là chuyện giá cả không thống nhất giữa cửa khẩu này với cửa khẩu khác, giữa địa phương này với địa phương khác, gây bất bình đẳng trong kinh doanh. Cùng một mặt hàng nhưng có DN phải chịu thuế cao hơn nếu HQ định giá cao và ngược lại có DN chịu thuế ít hơn. Chưa hết, chuyện DN đi ''xin'' giá HQ sẽ là cơ hội cho tiêu cực nảy sinh. DN ''chạy'' để được giá có lợi, thậm chí chuyển sang cửa khẩu khác hoặc địa phương nào làm giá ''mềm'' hơn...
Hải quan: vừa làm vừa run
Các cán bộ HQ tại các cửa khẩu cũng lo lắng khi cho rằng nếu đưa mức giá cao thì bị DN phản ứng, còn đưa giá thấp thì ''đụng chuyện'' HQ sẽ bị đặt vấn đề tại sao giá thực tế và giá tính thuế chênh lệch nhau, liệu HQ có thông đồng với DN. ''Tụi tôi vừa làm vừa run...'', cán bộ HQ tại một cửa khẩu TP.HCM nói. |
Không chỉ các DN phản ứng, chính cán bộ HQ các địa phương cũng kêu. Một cán bộ HQ TP.HCM cho biết, theo qui định của Luật thuế, trong vòng 8 giờ sau khi kết thúc kiểm tra lô hàng HQ phải ra thông báo thuế. Tuy nhiên, việc khảo sát thị trường để xây dựng giá cho một mặt hàng - theo quy định HQ phải khảo sát tại hai thị trường khác nhau - cũng đã mất nhiều thời gian, trong khi thực tế, có hàng trăm mặt hàng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nằm trong diện phải xây dựng giá. ''Nếu chờ thông báo giá, không chỉ các cảng, cửa khẩu bị quá tải, hàng hoá của DN bị ứ đọng mà hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng bị đình đốn'', vị cán bộ này thừa nhận.
Nhằm tránh tình trạng hàng chờ lấy giá bị ứ đọng tại các cảng, ngành HQ đồng Nai và TP.HCM đã linh động bằng cách cho DN lấy hàng về sau khi yêu cầu DN viết cam kết. Ông Huỳnh Thanh Bình - Trưởng phòng Nghiệp vụ của HQ Đồng Nai - cho biết, tất cả DN có địa chỉ cụ thể đều được ngành HQ địa phương cho thông quan hàng ngay sau khi DN tự kê khai và làm cam kết phải nộp đủ số thuế nếu sau này HQ chứng minh được rằng, giá do DN kê khai là bất hợp lý.
Thế nhưng ông Bình cũng ''tâm tư'' khi cho rằng, việc bố trí nhân sự cho công tác khảo sát giá sẽ gặp khó khăn do mỗi mặt hàng phải cần ít nhất hai người, trong khi số mặt hàng nằm trong danh sách phải xây dựng giá lại nhiều, chưa kể các cán bộ này phải am hiểu về các lĩnh vực, mặt hàng cần khảo sát giá. Bà Vũ Thúy Hòa - Phó phòng Nghiệp vụ HQ TP.HCM - thừa nhận: ''Việc khảo sát giá gặp rất nhiều khó khăn vì hàng nhập về không phải tất cả đều đưa vào siêu thị, thông tin chào bán trong nước lại không có, chưa kể có một số mặt hàng nhập độc quyền hoặc hàng mới nhập về lần đầu...''. Theo bà Hòa, việc xây dựng giá tính thuế thật ra rất có lợi cho những DN nhập khẩu lành mạnh, hơn nữa nó cũng hình thành thước đo phục vụ hàng sản xuất trong nước. Thế nhưng thực tế việc xây dựng giá là cả một gánh nặng đối với HQ các địa phương do cùng một mặt hàng nhưng mỗi nơi mỗi giá, mỗi cửa hàng lại cho giá khác nhau, HQ không biết đâu là giá thật đâu là giá ảo. Một số cán bộ HQ TP.HCM cho biết, nhiều cửa hàng đã từ chối cung cấp giá với lý do cạnh tranh khi phát hiện người khảo sát giá là cán bộ HQ.
Cũng như các DN, một số cán bộ HQ thừa nhận sự bất hợp lý trong qui định về xây dựng giá cũng thể hiện trong việc phân cấp xây dựng giá (những hợp đồng có giá trị tính thuế dưới 20 triệu đồng sẽ do chi cục trưởng chi cục HQ quyết định xây dựng giá, trên 20 triệu sẽ do Cục HQ quyết định). Ngoài chuyện không thống nhất về giá cả của cùng một mặt hàng (do mỗi nơi mỗi giá), việc phân cấp này nếu không phát sinh tiêu cực cũng sẽ tạo tâm lý sợ trách nhiệm, lãnh đạo HQ của các chi cục; cửa khẩu thậm chí Cục trưởng cũng... chờ xem giá của đơn vị khác trước khi đặt bút ký. Điều này cũng giải thích lý do có những lô hàng phải chờ đợi lâu mới có giá.
''Lẽ ra Bộ Tài chính hoặc Tổng cục HQ phải xây dựng giá thống nhất trên toàn quốc. Theo tôi, sẽ có nhiều DN làm ăn đàng hoàng sẵn sàng cung cấp giá chính xác và chịu trách nhiệm nếu có sự thống nhất về giá trên toàn quốc'', - giám đốc một DN đề nghị.
(Theo Tuổi Trẻ)
|