|
Ông Nguyễn Văn Quý - đại diện Vidamco, tại hội thảo. | ''Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế như một cái ruột thừa - nó đã sống cạn lịch sử của mình'', cách nói ví von này của luật sư Trần Vũ Hải (Giám đốc Công ty Luật Hà Nội), được hàng trăm luật gia, luật sư, doanh nhân và đông đảo quan chức của Viện KSND, TAND đồng tình tại Hội thảo "Xử lý hợp đồng vô hiệu", diễn ra hôm qua (28/2), ở Hà Nội.
Công ty VIDAMCO và TANACO ký hợp đồng mua bán 100 xe ôtô du lịch, với tổng trị giá trên 1,8 triệu USD, theo hình thức trả góp. VIDAMCO đã khởi kiện TANACO do công ty này vi phạm một phần nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng. Toà án cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng kinh tế (HĐKT) được ký kết giữa hai công ty là hợp pháp; song, Toà phúc thẩm lại tuyên vô hiệu với lý do ông tổng giám đốc VIDAMCO không phải là đại diện hợp lệ. Theo luật sư Trần Vũ Hải, hợp đồng này không đáng phải tuyên là vô hiệu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN.
Chính vì vậy, Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương đã ra kháng nghị bản án phúc thẩm theo hướng coi hợp đồng đó là có hiệu lực. Với vụ việc này, các luật sư cho rằng, quy định của Pháp lệnh HĐKT không rõ ràng, thiếu tính thực tiễn, và việc áp dụng phụ thuộc vào ý chí của hội đồng xét xử?
Trước thực tế xét xử HĐVH hiện nay, luật sư Trần Vũ Hải nhận xét: "Có khuynh hướng tuyên HĐVH toàn bộ trong khi có thể tuyên HĐVH từng phần; viện dẫn điều luật này nhưng "quên" điều luật khác khi xác định HĐVH. Khi xác định hợp đồng đã được cơ quan có thẩm quyền chứng thực là vô hiệu song không kiến nghị xử lý người đã chứng thực sai. Xuất hiện tình trạng một số người dân, DN lợi dụng việc xác định HĐVH của toà án để trục lợi, như không phải trả lãi ngân hàng, tiền sử dụng đất... ".
Hậu quả
Hợp đồng bị tuyên vô hiệu sẽ gây ra những thiệt hại và hậu quả nặng nề về kinh tế cho các bên tham gia ký kết. Bởi lẽ, một mặt, các bên không thể thực hiện được mục đích kinh doanh của mình; mặt khác, việc xử lý những hậu quả, thiệt hại phát sinh từ HĐVH cũng gây ra bao khó khăn, thiệt hại cho họ. Về pháp lý, quan hệ hợp đồng giữa các bên bị coi là chưa hề tồn tại - là bất hợp pháp - không có giá trị thi hành, và các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Theo ông Đinh Xuân Hải (Công ty Dịch vụ pháp lý Investconsult), thì "việc xử lý tài sản trong hợp đồng như vậy là không phù hợp, không đảm bảo được quyền lợi cho các bên tham gia hợp đồng. Không những thế, trong trường hợp nhất định, bên gây ra lỗi trong việc ký HĐVH không những không bị xử lý theo pháp luật mà còn được hưởng lợi".
Có chấm dứt hiệu lực của Pháp lệnh HĐKT?
Với những bất cập hiện nay của Pháp lệnh HĐKT, ông Đặng Quang Phương, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết: "Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2003 sẽ không sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh HĐKT, mà TAND Tối cao được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao trách nhiệm trình phương án bỏ pháp lệnh HĐKT". Sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật khác, mà quan trọng nhất là Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.
Khi bỏ Pháp lệnh HĐKT, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp kinh tế sẽ quy định rõ thẩm quyền của toà án; quy định các vấn đề về kháng nghị giám đốc thẩm các bản án; và vấn đề đối với những vụ án đã bị đình chỉ vì DN đang làm thủ tục giải quyết phá sản, nhưng việc giải quyết phá sản bị đình chỉ thì đương sự có tiếp tục được khởi kiện hay không?
''Các quy định tới đây sẽ phải rất rõ ràng và phù hợp với cơ chế và điều kiện kinh tế xã hội mới hiện nay", ông Phương khẳng định.
(Theo Lao Động) |