|
Hải Phòng đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư. |
8 giờ sáng ngày 28/2, tại hội trường Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng đã diễn ra phiên thí điểm bán đấu giá một DN Nhà nước: Công ty cơ khí nông nghiệp Hải Phòng. Đây là DN Nhà nước đầu tiên tại Việt Nam được bán đấu giá theo Nghị định 103CP "về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê DN Nhà nước" của Chính phủ.
854 triệu... đến 4,610 tỷ đồng
Việc "thí điểm" được hỗ trợ bằng tài chính từ Chính phủ Australia và tư vấn kỹ thuật của Công ty tài chính quốc tế (IFC). "Thứ bán" là Công ty cơ khí nông nghiệp Hải Phòng ở 29 đường Hoàng Quốc Việt, quận Kiến An, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng. "Người mua" là 5 Công ty TNHH, cổ phần và một cá nhân - ông Dương Mạnh Hải ở các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hà Tây, Hà Nội và TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới quản lý DN Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá thí điểm khẳng định ý tưởng xây dựng một mô hình bán DN Nhà nước bằng phương pháp đấu giá công khai, minh bạch và nhanh chóng thay thế cho quá trình định giá DN phức tạp và mất thời gian, nhằm đẩy nhanh tiến trình Cổ phần hoá và Đa dạng hoá sở hữu DN Nhà nước ở Việt Nam. Đúng 9 giờ 3 phút, cuộc bán đấu giá bắt đầu.
Giá khởi điểm được giao bán là 854 triệu đồng, với mỗi "nấc" tăng giá 40 triệu đồng, chỉ sau 7 phút, 4 người mua đã bỏ cuộc. 9 giờ 31, Bà Nguyễn Thị Sơn tuyên bố Công ty cổ phần Việt Tín do ông Đào Trọng Toàn làm Giám đốc, đã mua được Công ty cơ khí nông nghiệp Hải Phòng với giá 4,610 tỷ đồng.
Mọi việc sẽ được giải quyết nhanh?
Người mua - Công ty Việt Tín sẽ phải kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ đối với các khoản nợ phải thu (hơn 400 triệu đồng), phải trả (hơn 2 tỷ đồng) theo sổ sách kế toán của DN, phải thanh toán ngay các khoản nợ BHXH gần 600 triệu đồng của người lao động ở DN bị bán (Công ty cơ khí nông nghiệp) trong vòng 15 ngày và trả tiền mua DN trong tối đa 3 năm. (Nếu trả toàn bộ trong vòng 10 ngày, người mua được giảm 20% giá bán, trong vòng 1 năm, được giảm 10%).
Trong phiên đấu giá này, người lao động của Công ty cơ khi nông nghiệp không nằm trong đối tượng bị "bán". 54 người lao động ở đây là những người có tuổi cao, khó đáp ứng với nhu cầu công nghệ mới. Họ đã được giải quyết theo Nghị định 41 của Chính phủ. 1,6 tỷ đồng đã được lấy từ Quỹ Hỗ trợ chính sách cho những lao động dôi dư này.
Việc bán DN cũng không có nghĩa là bán đất. Người mua không được phép thay đổi mục đích sử dụng đất, phải có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh trong 3 năm liền (2002-2005). Giám đốc Công ty Việt Tín, ông Đào Trọng Toàn cho biết, Công ty sẽ tiến hành sản xuất bao bì tại "nhà máy" mới (rộng 16.231m2 ), sau đó sẽ làm phụ kiện cho ngành da giầy theo một hợp đồng liên doanh với Trung Quốc.
Việc thí điểm bán đấu giá DN Nhà nước ở Hải Phòng đã thành công, mặc dù thời gian chuẩn bị khá dài. Nguyên nhân của sự chậm trễ này cũng do "vạn sự khởi đầu nan", cái nan đầu tiên là cơ sở pháp lý của hoạt động này. Nghị định 103 của Chính phủ chỉ quy định bán theo phương thức đấu thầu và trực tiếp cho người lao động, nay thực hiện theo phương thức bán mở, công khai, không bỏ phiếu kín theo kiểu đấu thầu, nên cần phải có thời gian. Tuy vậy, cả bên mua và bên bán đều hài lòng, có lẽ chỉ trừ vị đại diện của Công ty TNHH thương mại và Xuất nhập khẩu TP.HCM. Ông nói: Ông chỉ là người được uỷ quyền, nếu đích thân giám đốc của ông tham gia đấu giá, thì người Hải Phòng không thể "thắng" vì ông ta dám chịu giá trên 5 tỷ đồng. Điều này thể hiện: Môi trường đầu tư ở Hải Phòng đã được các nhà đầu tư đánh giá tích cực.
(Theo Lao động) |