|
Ngành thép vẫn phụ thuộc chủ yếu vào phôi thép nhập khẩu. |
(VietNamNet) - Theo Tổng công ty Thép Việt Nam, Bộ Tài chính đang xem xét đề nghị nới lỏng giá trần thép xây dựng do giá phôi thép nhập khẩu tăng cao trong thời gian gần đây. Dự kiến mức điều chỉnh sẽ không quá 10% giá hiện hành.
Đây là lần thứ 2 trong vòng gần 2 tháng, các DN ngành thép đề nghị nới lỏng giá trần thép xây dựng. Đề nghị lần trước được Bộ Tài chính chấp nhận cách đây khoảng 3 tuần, theo đó đã nới lỏng 10% giá trần thép xây dựng: thép dây tăng lên 5.600 đồng/kg, thép thanh 5.300 đồng/kg.
Khi được hỏi về vấn đề điều chỉnh giá trần thép xây dựng, một quan chức của Ban Vật giá Chính phủ (Bộ Tài chính) đã từ chối bình luận. |
Hiện nay, giá nhập khẩu phôi thép đã lên đến mức 303-305 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Do phôi thép trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30%, nên ngành thép vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu trong khi phôi thép chiếm gần 90% trong giá thành. Giá phôi thép, thuế nhập khẩu phôi tăng, giá xăng dầu tăng... đẩy giá thép thành phẩm lên đến 5.7000-5.800 đồng/kg, hơn cả giá trần quy định. Còn giá bán bên ngoài thì ''phá rào'', chẳng hạn thép cuộn ở mức 6.500-6.800 đồng/kg.
Thời gian này được coi là nhạy cảm đối với giá cả thép xây dựng, giá thép xây dựng trên thị trường tự do tăng khoảng 10% so với tháng trước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà quản lý cần có biện pháp hỗ trợ cho ngành thép và điều tiết thị trường, tránh tình trạng xẩy ra như cơn sốt xăng dầu mới đây (tuy thép không ảnh hưởng nhiều đến đời sống như xăng dầu). Việc điều chỉnh giá trần cần thận trọng, tránh để cho người bán lẻ thép lợi dụng đầu cơ, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng.
The ông Lâm Viết Hùng, Tổng giám đốc Công ty SSE, ngoài biện pháp tình thế nới lỏng giá trần thép xây dựng, Chính phủ cũng nên cân nhắc cắt giảm thuế suất nhập khẩu phôi thép (vốn đã tăng từ 7% lên 10% từ ngày 1/1/2003).
|