Có nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng các DN Nhà nước báo cáo "lãi giả lỗ thật" đang diễn ra khá phổ biến. Vậy, thực hư việc này ra sao? Ông Hà Ngọc Sơn, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã trao đổi về vấn đề này.
Xin ông cho biết tình hình hạch toán của các DN Nhà nước trong thời gian qua?
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của các DN Nhà nước cho thấy, tình trạng hạch toán thiếu trung thực, hiện tượng "lãi giả lỗ thật" mặc dù có giảm, song vẫn còn. Điều này không chỉ làm sai lệch kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của DN, mà còn ảnh hưởng đến việc đánh giá để sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước.
Ông có thể cho biết cụ thể về kết quả kiểm toán DN Nhà nước năm 2002?
Qua hoạt động kiểm toán DN Nhà nước năm 2002, KTNN đã kiến nghị tăng thu thêm về thuế và các khoản nghĩa vụ khác của DN Nhà nước cho Ngân sách Nhà nước (NSNN) với tổng số tiền là 119,35 tỷ đồng. Số tiền này thấp hơn nhiều so với những lần kiểm toán trước đây.
Báo cáo của Thanh tra Tài chính cho thấy, lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn quá nhiều vấn đề bức xúc. Vậy kết luận của KTNN về vấn đề này như thế nào?
Trước hết, việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn dàn trải, số lượng các công trình, dự án dở dang còn nhiều. Thêm vào đó, công tác chuẩn bị đầu tư ở nhiều dự án chưa thực hiện đúng quy định... dẫn đến khi thực hiện dự án phải bổ sung, điều chỉnh thiết kế nhiều lần. Một số dự án chưa tổ chức đấu thầu theo quy định hoặc để đối phó với Pháp lệnh đấu thầu, chủ dự án chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu...
Nói tóm lại, công tác phê duyệt thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu, chỉ định thầu vẫn còn thiếu chặt chẽ. Ở hầu hết công trình được kiểm toán, dự toán và báo cáo quyết toán đều có sai sót, cao hơn so với khối lượng thực tế.
Thế còn ở khu vực liên doanh, liên kết của khối DN Nhà nước thì sao, thưa ông?
Việc góp vốn liên doanh, liên kết diễn ra ngày một nhiều hơn, điều này là tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng việc quản lý vốn góp và kết quả liên doanh của các DN Nhà nước chưa được cơ quan chủ quản và bản thân DN Nhà nước quan tâm đúng mức. Ở khá nhiều DN liên doanh, các khoản lỗ thường chậm được xử lý và phản ánh vào báo cáo tài chính, nên chưa phản ánh đúng thực chất tình hình tài chính của DN.
Theo ông, sau khi có kết luận của KTNN, các DNNN có kịp thời khắc phục các sai sót?
Nhìn chung, nhiều DN Nhà nước đã thực hiện khá nghiêm túc các kết luận và kiến nghị của KTNN. Cụ thể, việc điều chỉnh số liệu kế toán và báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính đã được khắc phục. Các khoản nghĩa vụ và các khoản xử lý về tài chính theo kết quả kiểm toán đã được các DN Nhà nước nộp đầy đủ, kịp thời vào NSNN.
Như vậy, các DN Nhà nước sau khi "bị" KTNN "làm việc" đều xử lý triệt để các tồn tại, yếu kém?
Chưa thể nói tất cả các DN, bởi công tác kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra ở các đơn vị còn chưa đầy đủ. Nhưng nhìn chung, ở các đơn vị được kiểm toán đều đã cố gắng khắc phục một cách đầy đủ và nghiêm túc những thiếu sót, sai phạm được phát hiện khi tiến hành kiểm toán. Nhờ đó, sai phạm của DN Nhà nước đã giảm đáng kể, trật tự, kỷ cương quản lý có xu hướng tốt hơn.
Thưa ông, song trên thực tế, dù muốn nhưng không ít DN Nhà nước chưa thực hiện được các kết luận của KTNN vì còn vướng xử lý công nợ...?
Đúng vậy. Nhiều vấn đề nan giải như công nợ dây dưa, khê đọng của DN Nhà nước đã được kiểm toán xác định rất rõ ràng, nhưng vẫn chưa xử lý được, bởi còn phụ thuộc vào tiến trình xử lý công nợ của Chính phủ. Nhưng dù sao thì những vấn đề này cũng đều được nhiều DN quan tâm, xây dựng phương án xử lý khá cụ thể.
(Theo Đầu tư)
|