Giảm giá thu mua điều
17:59' 27/02/2003 (GMT+7)
Hạt điều hiện là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

(VietNamNet) - Các thành viên Hiệp hội Cây điều Việt Nam (Vinacas) vừa "hiệp thương" giá mua điều thô giai đoạn 1 năm 2003. Ông Hồ Ngọc Cầm, Chủ tịch Vinacas đã trao đổi với VietNamNet về  vấn đề này.

- Ông cho biết giá thu mua điều trong thời gian tới?

- Theo sự ''hiệp thương'' giữa các nhà máy thành viên của Vinacas, giá điều tươi mua tại các nhà máy nằm trên vùng nguyên liệu từ ngày 22/2 đến 10/3 là 7.500 đồng/kg, và sẽ giảm còn 7.000 đồng/kg từ ngày 11/3 đến hết tháng 3.

Tại cuộc họp triển khai công tác thu mua hạt điều niên vụ 2003, ông Hồ Ngọc Cầm, chủ tịch Vinacas cho biết, việc giảm giá là do giá nhân điều trên thị trường thế giới đã xuống khoảng 10% từ đầu năm đến nay, và dự báo sẽ tiếp tục giảm vì hai quốc gia có sản lượng điều đứng đầu thế giới là Ấn Độ và Brazil trúng mùa. Theo ông Cầm, mức giá này vẫn cao hơn mức giá sàn của Chính phủ (hiện giữ ở mức 6.500 đồng/kg). Tuy nhiên, theo phản ứng của nhiều nông dân, mức giá do Vinacas đưa ra là bất hợp lý. Với mức giá này, nông dân chỉ có thể bán điều tươi với giá 6.000-6.500 đồng/kg do phải qua khâu trung gian.

- Giá điều xuống sẽ khiến nông dân thiệt thòi...?

- Chính vì vậy chúng tôi rất mong Chính phủ cho phép thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro để hỗ trợ cho nông dân khi giá xuống. Nếu không làm được điều này, rất có thể họ lại chặt phá cây điều để trồng cây khác vì không trụ nổi.

- Vì sao Vinacas không tự lập quỹ bảo hiểm rủi ro?

- Tiềm lực của ngành điều chưa lớn nên hiệp hội rất khó có thể tự lập quỹ này. Mọi kinh phí hoạt động của hiệp hội hiện đều do các hội viên đóng góp, nay không thể yêu cầu họ đóng góp thêm cho quỹ. Hơn nữa, các doanh nghiệp hội viên cũng chưa thật bền vững, phần lớn là doanh nghiệp nhà nước, lúc nào cũng lo sẽ cổ phần hoá, giải thể hay sáp nhập... Họ không muốn muốn góp một lượng tiền lớn vào quỹ khi chính bản thân doanh nghiệp chưa ổn định.

- Ông nhận xét như thế nào về sức cạnh tranh của ngành điều Việt Nam?

- Hạt điều Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính, mới đây lại thêm thị trường Mỹ. Có thể nói chất lượng điều Việt Nam đứng hàng đầu thế giới nên chúng tôi không lo ngại bất cứ một đối thủ nào. Tuy vậy, tập quán thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam còn bị ràng buộc bởi nhiều chính sách, cơ chế của Chính phủ nên việc làm ăn nhiều khi chưa thật tốt.

- Ông nghĩ gì về khả năng phát triển thương hiệu điều Việt Nam?

- Nhiều giám đốc hiện chưa nghĩ đến chuyện thương hiệu mà chỉ lo làm thế nào không lỗ, có được ít lợi nhuận. Lý do chính là việc xây dựng thương hiệu cần khá nhiều thời gian, trong khi, như tôi đã nói ở trên, doanh nghiệp ngành điều lại chưa thật ổn định. Các thương hiệu lớn trên thế giới được hình thành và phát triển nhờ sự giữ gìn, khuyếch trương của nhiều thế hệ từ đời này qua đời khác. Ở nước ta, một số doanh nghiệp lớn của ngành điều đang phấn đấu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 9000, tiến tới xây dựng thương hiệu mạnh. Riêng cái tên ''Vinacas'' đã được đăng ký là thương hiệu cho điều Việt Nam.

- Kế hoạch xúc tiến thương mại năm nay của Vinacas?

- Tháng 6 tới, hiệp hội sẽ tổ chức một hội nghị lớn tại Trung Quốc, giới thiệu về hàng Việt Nam với các bạn hàng nước ngoài. Chúng tôi có dự định thâm nhập thị trường này, nhất là nếu thị trường Mỹ biến động bất lợi. Năm tới, chúng tôi sẽ đăng cai tổ chức hội nghị điều toàn thế giới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Vinacas sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp đi xúc tiến hợp tác với Ấn Độ, Brazil nhằm cân đối trong sản xuất, trồng trọt, đáp ứng hợp lý nhu cầu thế giới. Có thể ba nước sẽ phân công sản lượng để không vượt quá nhu cầu tiêu thụ của thế giới, đồng thời hợp tác về giá để không bị các thương nhân nước khác ép giá.

  • Trịnh Hằng
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ mở rộng đối tượng được miễn giảm thuế nông nghiệp (27/02/2003)
Ngành bê tông bị tống tiền (27/02/2003)
Cam kết không mua, chế biến tôm có tạp chất (27/02/2003)
Nông dân Mỹ giúp nông dân Việt Nam nuôi bò sữa (27/02/2003)
Xe máy Nouvo, rẻ nhưng có... 3 điều bất tiện (27/02/2003)
Tăng 20% phí bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới (27/02/2003)
Khảo sát 12 sản phẩm chủ lực của TP.HCM (27/02/2003)
Chính phủ yêu cầu có giải pháp để DN xe máy tiếp tục sản xuất (27/02/2003)
Yêu cầu ngừng ngay việc thu phí xếp dỡ container (27/02/2003)
300-400 DN xuất khẩu thực phẩm phải đăng ký với FDA (27/02/2003)
Thí điểm thành lập công ty cổ phần thẻ (26/02/2003)
Giá phôi thép tiếp tục tăng mạnh (26/02/2003)
Gần 197,5 tỷ đồng cho KHCN nông nghiệp 2003 (26/02/2003)
"Phần lớn các trang trại chưa được hưởng ưu đãi" (26/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang