Yêu cầu ngừng ngay việc thu phí xếp dỡ container
09:37' 27/02/2003 (GMT+7)
Tàu chờ hàng tại cảng Cái Rồng (Quảng Ninh).

Bảy hiệp hội ngành hàng Việt Nam ngày 25/2 đã gửi văn bản yêu cầu các hãng tàu thành viên của Hiệp hội Hiệp thương chủ tàu châu Á (IADA) ngừng ngay việc dự kiến áp dụng phí xếp dỡ container (THC) tại Việt Nam và ngừng ngay việc yêu cầu các chủ hàng Việt Nam trả chi phí THC từ ngày 1/3.

Bảy hiệp hội ngành hàng Việt Nam gồm các hiệp hội cây điều, chè, dệt may, doanh nghiệp điện tử, da giày, càphê cacao, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản. Yêu cầu trên được đưa ra vì lý do: thời gian áp dụng THC chưa được thảo luận giữa các hiệp hội trong Hội đồng đàm phán và IADA.

Bên cạnh đó, trên tinh thần cuộc họp ngày 9/1, THC chỉ áp dụng ở Việt Nam theo mức và lộ trình được thoả thuận giữa Hội đồng đàm phán Việt Nam và IADA nhằm đảm bảo tính công bằng hợp lý và cùng có lợi giữa hai bên.

Theo sự giải thích của IADA và những thông tin mà các chuyên gia của Việt Nam có được, thì việc tách THC ra khỏi giá cước vận tải biển là nhằm minh bạch hoá cơ cấu giá cước vận tải biển, tạo điều kiện để các chủ tàu có thể chào giá cước rõ ràng hơn. Trước đây, THC là một phần không tách rời của cước vận tải. Tuy nhiên, THC ở hai đầu xếp dỡ thì tương đối cố định, thanh toán bằng bản tệ, trong khi đó, cước vận tải biến động thường xuyên theo cung cầu và các tác động khác. Do vậy, họ cho biết, việc tách THC tạo điều kiện cho mỗi hãng tàu tự chọn cho mình cách thể hiện bản chào giá cước vận tải cho khách hàng của mình theo hướng: chào cước gộp cả THC trong cước hoặc chào THC tách khỏi cước vận tải biển.

Ở Việt Nam, phí xếp dỡ hàng hoá do Ban vật giá (Bộ Tài chính) quy định. Cước vận tải trước đây, do THC là một phần không tách rời của cước vận tải, nên đã bao gồm các chi phí xếp dỡ trên bờ. Nay IADA đề nghị tách THC ra khỏi giá cước vận tải và áp dụng mức phí THC ở Việt Nam dựa trên biểu giá xếp dỡ của Ban vật giá. Ðề nghị này cho đến nay đang được Hội đồng đàm phán của Việt Nam thảo luận và thương lượng với IADA. 

Theo Bà Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và là Chủ tịch Hội đồng đàm phán, cho đến nay, Hội đồng cũng chưa nhất trí với tuyên bố của các hãng tàu thành viên của IADA là bắt đầu áp dụng việc tách THC ra khỏi cước vận tải biển đối với Việt Nam từ ngày 1/3/2003.

Hội đồng đàm phán đã ra thông báo gửi IADA nói rõ ý kiến của mình là không chấp nhận tách THC ra khỏi cước vận tải từ 1/3/2003 vì vấn đề thời gian chưa được thảo luận giữa Hội đồng đàm phán và IADA. Thứ hai, việc tách THC ra khỏi cước vận tải từ 1/3/2003 sẽ có ảnh hưởng xấu tới hoạt động XNK của các doanh nghiệp Việt Nam vì nhiều nhà kinh doanh XNK Việt Nam đã ký hợp đồng xuất nhập khẩu với đối tác nước ngoài cho đến hết thời hạn 2003.

Hơn nữa, thực tế kinh doanh của các DN Việt Nam là mua CIF, bán FOB, không ký kết hợp đồng thuê tàu, do đó, không có quan hệ với hãng tàu. Quan điểm của phía Việt Nam là chấp nhận vào thời điểm nào và chấp nhận một phần hay toàn bộ yêu cầu của IADA mà thôi chứ không phải không chấp nhận việc tách THC này, bởi lẽ, quá trình hội nhập của Việt Nam cũng là quá trình hội nhập từng bước.

Hiện nay có nguy cơ là các hãng tàu sẽ đòi các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam trả THC vì họ vẫn phải trả THC cho đơn vị bốc dỡ hàng ở cảng Việt Nam và đe doạ nếu các doanh nghiệp không trả THC thì họ giữ hàng, không xuống hàng. Lập luận của các chủ tàu là họ ký hợp đồng với người thuê tàu, nay tách THC ra mà người thuê tàu không trả thì họ đòi người có hàng là các doanh nghiệp Việt Nam ở cảng Việt Nam.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không ký kết đàm phán trực tiếp việc thuê tàu và không có hợp đồng với các chủ tàu, do đó không có căn cứ nào để trả THC cho chủ tàu. Nếu xảy ra tranh chấp thì trách nhiệm thuộc về người vận tải hàng đến. Họ có trách nhiệm giao hàng đến cho doanh nghiệp Việt Nam theo hợp đồng đã ký.

Cũng theo Bà Phạm Chi Lan, tới đây, tuy không giao dịch trực tiếp với hãng tàu song giá cước vận tải vẫn có ảnh hưởng tới giá mua bán hàng hoá và tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đầy đủ khi đàm phán ký kết hợp đồng thuê tàu để tránh thua thiệt.

(Theo TBKTVN, Tuổi Trẻ)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Hải Phòng bắt đầu cải cách thủ tục cảng biển
Hàng trị giá dưới 10 triệu đồng tồn tại cảng biển có thể bị tiêu huỷ
Mỹ: Cuộc khủng hoảng cảng biển miền tây đã chấm dứt
CÁC TIN KHÁC:
300-400 DN xuất khẩu thực phẩm phải đăng ký với FDA (27/02/2003)
Thí điểm thành lập công ty cổ phần thẻ (26/02/2003)
Giá phôi thép tiếp tục tăng mạnh (26/02/2003)
Gần 197,5 tỷ đồng cho KHCN nông nghiệp 2003 (26/02/2003)
"Phần lớn các trang trại chưa được hưởng ưu đãi" (26/02/2003)
Giá nhãn ĐBSCL lao dốc (26/02/2003)
Thuê chuyên gia nước ngoài để xúc tiến thương mại? (26/02/2003)
Giá phân bón tăng gây thiệt hại lớn (26/02/2003)
Khuyến khích doanh nghiệp kiện cán bộ, công chức làm sai (25/02/2003)
Được vay 80% tiền khi đi xuất khẩu lao động (25/02/2003)
Chưa tăng lệ phí trước bạ xe máy từ ngày 1/3 (25/02/2003)
Tại sao không đan một tấm lưới lớn để đánh cá ngoài khơi? (25/02/2003)
Giảm bàn tay Chính phủ vào hoạt động của các hiệp hội (25/02/2003)
Thuế còn rất nhiều bất hợp lý (25/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang