Du lịch miền Trung:
Tại sao không đan một tấm lưới lớn để đánh cá ngoài khơi?
15:36' 25/02/2003 (GMT+7)

Hội An, điểm du lịch hút khách ở miền Trung.

(VietNamNet) - Cứ khi nào Festival Huế tổ chức thì Hội An lại bội thu về khách du lịch. Còn lúc có Đêm rằm phố cổ của Hội An (2001) thì lượng khách đến Huế cũng tăng cao. Bởi rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài, đến dự lễ hội ở nơi này, thì cũng muốn tiện thể tới thăm nơi kia. Chẳng thế mà sau lễ khởi động "Năm du lịch Hạ Long 2003" ngày 10/2, các khách sạn ở Quảng Nam đã kín phòng đến hết tháng 3.

Thực tế này đã chỉ ra một cơ hội lớn: các tỉnh có tiềm năng du lịch nên liên kết tạo thành một mạng lưới du lịch hấp dẫn, đa dạng và hài hòa. Quảng Nam có hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Thừa Thiên - Huế có một Cố đô. Và sắp tới, rất có thể sẽ đến lượt Quảng Bình với động Phong Nha. Lấy Quảng Trị và Đà Nẵng làm hai gạch nối, dải đất miền Trung sẽ có một hành trình di sản với 4 di sản văn hóa thế giới, và hàng trăm danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác như Lăng Cô, vườn quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân, Ngũ Hành Sơn...

Hiện giữa các tỉnh đã có một số thỏa thuận "song phương" thành văn cũng như bất thành văn về du lịch. Festival Huế diễn ra hai năm một lần vào năm chẵn, vậy Quảng Nam sẽ tổ chức lễ hội hai năm một lần vào năm lẻ. Năm nào, khách du lịch đến cũng sẽ gặp được những lễ hội hoành tráng và đậm đà bản sắc Việt Nam.

Rõ ràng hơn, có thể kể đến thỏa thuận vừa qua giữa Đà Nẵng và Quảng Nam. Dự kiến sẽ có 2,5-3 vạn người sẽ tới xứ Quảng vào dịp lễ hội 27/3-2/4. Nhưng xây thêm khách sạn chỉ để phục vụ dịp lễ hội này thật chẳng kinh tế lắm. Thế nên Sở Du lịch của hai tỉnh, thành phố đã thống nhất rằng, các khách sạn Đà Nẵng sẽ hồ hởi đón khách tham gia Lễ hội Quảng Nam. Nhiều người hẳn sẽ có dịp ngày đi xem đua thuyền trên sông Hoài, tối ngắm sao trên cầu bắc qua sông Hàn mà không phải lo rằng mình sẽ ngủ trong một "khách sạn ngàn sao".

Trên quy mô lớn hơn, có thể kể đến dự án tour du lịch làng nghề trên địa bàn Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là đơn đặt hàng của Tổng cục Du lịch đối với Sở Du lịch ba tỉnh, thành phố trong năm 2002. Kết quả bước đầu cho thấy dự án có tính khả thi rất cao.

Tham vọng hơn cả là đề án Con đường di sản thế giới, xuyên qua ba di sản là Huế, Hội An, Mỹ Sơn (và sẽ là bốn nếu Phong Nha được UNESCO công nhận). Dự kiến con đường này sẽ đi từ Nghệ An, qua Huế, Nha Trang rồi rẽ lên Đà Lạt, liên kết với trục ngang Lào và Thái Lan.

Người đưa ra ý tưởng về Con đường di sản thế giới là ông Paul Stoll, Tổng giám đốc khu nghỉ mát Furama, Đà Nẵng. Ông đã trình bày ý tưởng này tại Hội nghị Du lịch quốc tế ở Berlin, Đức năm 1999, và tại Hội thảo Du lịch do Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức ở Nha Trang năm 2000. Đề xuất chính thức được gửi tới các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng vào ngày 4/9/2001.Đến ngày 6/4/2002, đại diện chính quyền và giám đốc các Sở Du lịch ba tỉnh, thành phố Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, cùng nhiều đơn vị kinh doanh du lịch lớn trong khu vực miền Trung đã lập ra chương trình Con đường di sản thế giới ở miền Trung. Tuy vậy, cho đến nay, tổ chức Con đường di sản thế giới vẫn chưa có được tư cách pháp nhân.

Những sự liên kết sẽ góp phần khai thác triệt để tiềm năng của các địa phương, góp phần bổ sung và hỗ trợ, tạo ra sự đa dạng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của Việt Nam. Sự liên hợp đó sẽ kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch, đặc biệt khách du lịch nước ngoài, như lời ông Huỳnh Tấn Vinh, trợ lý trưởng ban Con đường di sản thế giới, “Tất cả chúng ta nên cùng nhau đan một tấm lưới lớn để đánh cá ngoài khơi, rồi cùng chia nhau thành quả đạt được".

  • Đặng Hương
     
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
TIN LIÊN QUAN:
Lễ hội Quảng Nam 2003 - Hành trình di sản
CÁC TIN KHÁC:
Giảm bàn tay Chính phủ vào hoạt động của các hiệp hội (25/02/2003)
Thuế còn rất nhiều bất hợp lý (25/02/2003)
Trà túi lọc Việt Nam thiếu chỗ đứng trên "sân nhà" (25/02/2003)
Gốm sứ xuất sang Tây Ban Nha tăng 4 lần (25/02/2003)
Đề nghị mua tạm trữ 100.000 tấn phân bón (25/02/2003)
''Sốt'' xăng có phần trách nhiệm của nhà quản lý? (25/02/2003)
Ngân hàng phải đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho DN xăng dầu (24/02/2003)
Sau Tết, các ngân hàng ồ ạt huy động vốn (24/02/2003)
Sẽ tăng phí bảo hiểm đối với xe máy? (24/02/2003)
Hướng dẫn thủ tục hải quan đối với nhập khẩu xe máy (24/02/2003)
Sẽ chỉ còn một mức thuế giá trị gia tăng là 10%? (24/02/2003)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 2,2% (24/02/2003)
''Các DN dệt may hãy đồng lòng yêu cầu Mỹ hoãn áp dụng hạn ngạch'' (23/02/2003)
Tư nhân được cho nước ngoài thuê đất (23/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang