Bộ Thương mại:
''Các DN dệt may hãy đồng lòng yêu cầu Mỹ hoãn áp dụng hạn ngạch''
13:26' 23/02/2003 (GMT+7)
Dệt may Việt Nam cần xây dựng những  thương hiệu mạnh.

(VietNamNet) - Tại cuộc gặp gỡ giữa nhiều quan chức Chính phủ và doanh nghiệp (DN) ngành dệt may hôm nay (22/2), Bộ Thương mại kêu gọi các DN cùng đề nghị những đối tác nhập khẩu phía Mỹ gửi thư cho Chính phủ nước này, yêu cầu lùi thời hạn áp dụng hạn ngạch dệt may.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Âu Mỹ (Bộ Thương mại), nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, bức xúc: ''Việc Mỹ có ý định áp dụng hạn ngạch đối với hàng dệt may Việt Nam chỉ chưa đầy 16 tháng sau khi thực thi Hiệp định Thương mại song phương là vô lý. Trong khi đó, dệt may Campuchia chỉ bị áp dụng hạn ngạch sau 27 tháng, Trung Quốc sau 3 năm''. Ông Bình khẳng định, quyền lợi của nhà xuất khẩu Việt Nam và nhà nhập khẩu Mỹ gắn chặt với nhau. Các DN Việt Nam cần tranh thủ vị trí của mình đối với thương nhân Mỹ để kêu gọi họ gửi thư cho Chính phủ Hoa Kỳ, yêu cầu hoãn áp dụng hạn ngạch dệt may.
Theo tin VietNamNet mới nhận, cuộc đàm phán về hiệp định dệt may giữa phái đoàn Hoa Kỳ và phía Việt Nam vừa kết thúc với kết quả khả quan. Ông David Spooner, trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ tuyên bố, việc đi đến thoả thuận chung là rất quan trọng đối với cả hai bên. Cuộc gặp tiếp theo giữa hai bên sẽ diễn ra vào tháng 3 tới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại) cho biết, dệt may luôn là lĩnh vực nhạy cảm trong thương mại quốc tế, là một trong số rất ít các lĩnh vực còn chế độ hạn ngạch. Việt Nam sẽ còn phải cạnh tranh nhiều hơn nữa. ''Tuy nhiên, các DN cần hiểu rằng, Hoa Kỳ cũng cần hàng Việt Nam và cần xuất khẩu sản phẩm bông sợi sang Việt Nam. Do vậy, Việt Nam vẫn có ưu thế khi đàm phán với Mỹ'', ông Thắng nói.

Trao đổi với VietNamNet, các DN cho biết đều đã có chiến lược kinh doanh riêng trong trường hợp Mỹ áp dụng hạn ngạch. Bà Đặng Phương Dung, Tổng Giám đốc Công ty May 10 khẳng định, mọi DN đều có chiến lược đa dạng hóa thị trường. ''Hoa Kỳ chiếm một tỷ lệ chưa phải là cao trong xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đương nhiên, hạn ngạch sẽ có ảnh hưởng không tốt đến chúng tôi, nhưng trong hoàn cảnh nào chúng tôi cũng sẽ đứng vững'', bà Dung nói.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã dành cho các DN một lời khuyên: ''Việc đàm phán còn lâu dài. Chừng nào Mỹ chưa áp dụng hạn ngạch, các DN hãy cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu''.

''Hãy đoàn kết để vượt cơn sóng cả của đại dương hội nhập''

VietNamNet đã phỏng vấn ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam về chiến lược phát triển của hiệp hội trong năm tới:

- Chiến lược tăng tốc dệt may 2003 được khởi động như thế nào?

- Sau hai năm thực hiện chiến lược tăng tốc, ngành dệt may Việt Nam có những bước tiến xuất sắc, nhất là về xuất khẩu. Năng lực sản xuất được nâng cao, số sản phẩm tăng gần 200 triệu. Năm qua, ngành thu dụng được 100.000 lao động.

- Điểm nhấn của hoạt động xúc tiến thương mại trong năm nay?

- Thuận lợi cơ bản của hoạt động này là sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và Bộ Thương mại. Thêm vào đó, Chính phủ cũng giúp xây dựng các thương hiệu quốc gia và ngành hàng, trong đó có dệt may. Hiệp hội và Vietrade sẽ phối hợp tổ chức một số chương trình để ''đánh bóng'' tên tuổi của cả ngành. Thí dụ, tại các hội chợ lớn, chúng tôi sẽ chú trọng giới thiệu cả ngành chứ không phải là từng DN như trước kia. Chúng tôi sẽ chứng minh cho bạn hàng thấy, ngành may mặc Việt Nam có chất lượng cao. Hiệp hội sẽ chú trọng xúc tiến tại một số thị trường mới, đặc biệt là Nam Mỹ - thị trường lớn mà hiện chúng ta chưa với tới được. 8 chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của ngành dệt may sẽ ưu tiên cho các hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo chuyên gia tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên mạng Internet...

- Biện pháp nâng cao chất lượng?

- Các DN trong ngành sẽ chú trọng đầu tư cho năng lực thiết kế, xây dựng những sản phẩm đẳng cấp cao, chất lượng vượt trội. Chúng tôi khuyến khích các DN thành viên áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như ISO 9000 và ISO 14000, SA 8000. OHSAS 18000.

Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 3,2 tỷ USD trong năm nay và 4,5 tỷ USD vào năm 2005. Đến dự hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận xét: ''Khẩu hiệu tăng tốc của ngành dệt may rất có ý nghĩa, bởi không tăng tốc thì không thể đạt mục tiêu. Vấn đề là tăng tốc như thế nào''. Phó Thủ tướng lưu ý một trong những nhược điểm lớn của ngành là khâu thiết kế mẫu mã. ''Vấn đề này cũng chưa được đề cao trong chiến lược tăng tốc, nếu không khắc phục thì không thể nâng cao sức cạnh tranh của ngành'', Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề hội nhập, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cũng chú trọng nhiệm vụ đào tạo cán bộ thiết kế mẫu mã cho ngành dệt may. Thứ trưởng nói: ''Toàn ngành phải không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển thêm các thị trường mới, xây dựng thương hiệu, xây dựng mạng lưới tiêu thụ rộng khắp''.

Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại chia sẻ một hướng tư duy mới: ''Chiến lược thương hiệu là hết sức quan trọng đối với các DN. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá tham vọng. Mỗi DN không thể có một thương hiệu riêng, đứng vững trên thị trường thế giới. Hãy biết lượng sức mình để tiếp tục làm gia công thật tốt cho các thương hiệu lớn, hay tách ra để rồi đương đầu với cạnh tranh khắc nghiệt''. Bà Lan lấy thí dụ điển hình là Trung Quốc - cường quốc về dệt may của khu vực. ''Nước này rất ít khi bán hàng ra thế giới bằng thương hiệu của mình, nhưng không ai phủ nhận được sức mạnh của họ. Trong xu thế tự do hoá thương mại toàn cầu, dần dần chỉ một số ít thương hiệu lớn là tồn tại được. Là một phần của những thương hiệu đó cũng không phải là một giải pháp tồi'', bà Lan khẳng định.

Chiến lược tăng tốc: liệu có tăng được tỷ lệ nội địa?

Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo, ông Lê Quốc Ân cho biết, trong hai năm thực hiện chiến lược tăng tốc ngành dệt may, số cọc sợi đã tăng đến 50%, sản lượng vải cũng tăng xấp xỉ 50% (đạt 200 triệu m)... Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa trong sản phẩm xuất khẩu hiện mới đạt 30%, trong khi Chính phủ yêu cầu phải đạt 50% vào năm 2005. Hiện rất nhiều DN vẫn muốn nhập vải của Trung Quốc để làm hàng may mặc.

Về những điểm yếu của ngành dệt Việt Nam, ông Nguyễn Văn An, Tổng Giám đốc Công ty Dệt Vĩnh Phú cho VietNamNet biết, vải Việt Nam không những giá cao mà chất lượng còn thấp hơn hàng Trung Quốc. ''Nguyên nhân chủ yếu là DN Việt Nam phải nhập khẩu bông, nhập khẩu máy móc thiết bị, trong khi Trung Quốc có thể tự túc. Năng suất và chất lượng lao động của Việt Nam cũng chưa bằng đối thủ'', ông An giải thích. Một trong những giải pháp, theo ông An, là Chính phủ dành cho các DN ngành dệt may lãi suất vay ưu đãi để nhập công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất những hàng hóa chất lượng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn ODA để đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động.

  • Trịnh Hằng

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tư nhân được cho nước ngoài thuê đất (23/02/2003)
Hầm Hải Vân có thể được thông vào tháng 9 (22/02/2003)
Tìm địa điểm mới cho Nhà máy Ba Son (22/02/2003)
''Phải cấp đủ vốn vay cho DN và người nuôi cá Tra, Basa'' (22/02/2003)
Đấu thầu không hạn chế 3 dự án BOT (22/02/2003)
Kiến nghị cho vay ưu đãi mua tạm trữ phân bón (22/02/2003)
Sẽ kiểm tra đột xuất hàng XNK ở diện miễn kiểm tra (22/02/2003)
Giá bán điện cản trở cổ phần hóa ngành điện (22/02/2003)
DN còn nhiều vướng mắc với Luật lao động sửa đổi và bổ sung (22/02/2003)
Dư nợ cho vay nuôi trồng thuỷ sản tăng 42% (22/02/2003)
Thêm 5 đơn vị tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (22/02/2003)
''Tổng cục Thuế sẽ trực tiếp gặp DN'' (22/02/2003)
Có thể đạt được một thoả thuận hợp lý (21/02/2003)
Quảng Trị khởi công cảng cá Cửa Tùng (21/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang