|
Phân bón dự trữ | Bộ Thương mại vừa có văn bản gửi Chính phủ đề xuất các giải pháp để bình ổn giá phân bón trong nước hiện tăng cao do ảnh hưởng từ giá phân bón thế giới. Theo đó, Bộ kiến nghị hỗ trợ một số DN nhập khẩu phân bón bằng cách cho vay ưu đãi để mua tạm trữ, đồng thời, đề nghị giảm thuế VAT từ 5% xuống 0% đối với các DN này.
Theo Vụ Kế hoạch và Quy hoạch (Bộ NN-PTNT), hiện nay, phân bón vẫn còn để đáp ứng nhu cầu vụ đông xuân. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là lượng phân bón cho vụ hè thu, vụ mùa và vụ đông xuân năm tới, với số lượng gần 1,7 triệu tấn. Dự kiến, trong tuần tới, Bộ NN-PTNT cũng sẽ đề xuất Chính phủ những biện pháp làm giảm ''nhiệt'' mặt hàng này.
Phập phù theo giá phân bón thế giới
Giá phân urê sáng qua (21/2) tiếp tục lên 2.700 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg so với trước. Phân DAP cũng nhích lên 6%, từ 3.200 lên 3.400 đồng/kg... Tính chung, giá phân bón nhẹ tăng 5%, cao thì khoảng 30%.
Giám đốc Công ty Phân bón miền Nam, ông Lê Lân, cho rằng, trong tình hình giá phân bón tăng cao như hiện nay, lo nhất là nông dân sẽ không đầu tư phân bón cho sản xuất, vì chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm không tăng, hoặc tăng không đáng kể. Giá phân bón thế giới đang tăng hàng ngày, kéo giá phân bón trong nước tăng theo. Tuy nhiên, cũng có khả năng là giá sẽ giảm bất ngờ khi cuộc khủng hoảng Iraq được giải quyết, do vậy, phần lớn các DN nhập khẩu đều chờ, không dám nhập.
Theo ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HIệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón trong nước tăng có ba nguyên nhân, chủ yếu bắt nguồn từ khâu phân phối lưu thông. Hiện nay, do chưa vào vụ chính trong khi giá lại biến động nên các nhập khẩu chờ thời; một số nhà nhập khẩu về lại bán cầm chừng chờ nâng giá; nhiều đại lý, cửa hàng bán lẻ bán nhỏ giọt để tăng giá.
Sẽ không thiếu phân bón?
Tình hình phân bón thời gian tới diễn biến ra sao phụ thuộc vào hai yếu tố: lượng phân bón sản xuất trong nước, số nhập khẩu còn tồn kho và sẽ về cho đến khi vào vụ mới, và các biến động có thể tác động đến khâu lưu thông.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện lượng phân bón tồn kho khoảng 340.000 tấn. Cụ thể: Super Lâm Thao 277.000 tấn; Phân bón miền Nam còn nguyên liệu và thành phẩm khoảng 50.000 tấn; Baconco 10.000 tấn; Việt Nhật 2.000 tấn.
Lượng phân bón nhập ngoại, nếu tính cả số đã nhập và sẽ nhập về cho đến cuối tháng 4/2003, dự kiến gần 590.000 tấn. |
Số liệu của Vụ Kế hoạch và Quy hoạch (Bộ NN-PTNT) cho thấy, dự kiến vụ hè thu và thu đông tới, riêng vùng ĐBSCL gieo trồng khoảng 1,8 triệu hecta lúa, cần 630.000 tấn phân bón các loại; trong đó riêng urê là 360.000 tấn, DAP 180.000 tấn, kali 90.000 tấn. Như vậy, trước mắt, ''không sợ thiếu phân bón'', ông Nguyễn Hạc Thuý khẳng định.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh doanh phân bón đều cho rằng, giá phân bón sẽ phải tăng theo giá thế giới, và cơn sốt giá vẫn rình rập vào cuối tháng tư đến, khi miền Nam chính thức vào vụ sản xuất lúa hè thu. Hầu hết các nhà kinh doanh phân bón đều cho rằng, thị trường phân bón đang rất nhạy cảm và hoàn toàn có thể xảy ra biến động. Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng găm hàng để đầu cơ, tạo tâm lý khan hiếm để đẩy giá lên cao.
(Theo Tuổi Trẻ) |