(VietNamNet) - Các ngân hàng đang ra sức tìm cách thu hút nguồn vốn dồi dào trong dân sau Tết để dành cho những đợt cho vay dự án lớn vào quý II, ngay khi chưa hết thời gian ra giêng ngày rộng tháng dài.
|
Tư vấn cho khách hàng tại Techcombank. |
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được coi là ''nhanh chân'' nhất. Ngay khi "bánh chưng chưa hết", họ đã rầm rộ mở đợt huy động vốn qua hình thức bán chứng chỉ tiền gửi không kỳ hạn. Quyết sách này của họ nghe nói đang rất hiệu quả.
Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, mục tiêu đặt ra trong huy động vốn cho các dự án quốc gia của họ năm nay rất lớn và đây chỉ là đợt ra quân đầu tiên. Sau 5 ngày thực hiện biện pháp huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi dài hạn, nguồn vốn huy động đạt bình quân bơn 100 tỷ đồng/ngày.
Trong số 500 tỷ đồng vốn huy động, vốn bằng VNĐ chiếm 68%. Ðã có một cá nhân mua chứng chỉ tiền gửi trị giá tới 15 tỷ đồng. Theo một số chuyên gia ngân hàng, biện pháp huy động trên rất khả quan trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đang cạnh tranh khá quyết liệt bằng lãi suất, khuyến mại và chất lượng phục vụ trong huy động vốn. Nhiều khả năng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển sẽ huy động được 3.000 tỷ đồng trong 30 ngày.
Theo lãnh đạo BIDV, lãi suất hấp dẫn, thanh khoản cao, kỳ hạn hợp lý là nguyên nhân khiến rất nhiều tầng lớp dân cư gửi vốn cho BIDV. Hiện tại, BIDV đã đề nghị và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho phép được huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn.
Ðể cạnh tranh trong huy động vốn, Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Nông nghiệp phát triển Nông thôn sẽ phát hành kỳ phiếu bằng VNĐ.
Tin từ Ngân hàng Thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (VPBank), tính đến hết tháng 1/2003, tổng mức vốn huy động của VPBank đạt hơn 1.221 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 965 tỷ đồng, chiếm 79%, tăng gần 30 tỷ đồng so với tháng 12/2002.
Tổng dư nợ tín dụng trên toàn hệ thống của VPBank tính đến ngày 31/1 đạt hơn 1.104 tỷ đồng, tăng hơn 300 triệu đồng so với tháng 12/2002. Cũng trong tháng 1/2003, một số hoạt động về dịch vụ của VPBank đạt được mức tăng trưởng khá. Dịch vụ kiều hối đạt doanh số chỉ trả hơn 1,5 triệu USD với số điểm giao dịch trên cả nước lên đến 77 cơ sở; mạng lưới của dịch vụ chuyển tiền nhanh Western Union được tích cực mở rộng, tổng số tiền chuyển qua dịch vụ này trong tháng 1/2003 đạt hơn 2,7 tỷ đồng.
Ông Lê Đắc Sơn - Tổng giám đốc VPBank - cho rằng, sở dĩ có sự tăng trưởng vốn trong tháng 1/2003 là do nhu cầu gửi tiết kiệm trong dân cư và các tổ chức kinh tế dịp đầu năm tăng cao.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) tăng trưởng trong đợt đầu năm cũng không vừa. Đến cuối tháng 1/2003, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ước đạt hơn 84.600 tỷ đồng (tăng gần 3.500 tỷ so với tháng 12/2002). Trong đó, vốn huy động từ nền kinh tế đạt gần 65.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cuối năm ngoái.
Hoạt động tín dụng của VCB trong tháng 1/2003 vẫn tiếp tục tăng trưởng so với tháng 12/2002. Tổng dư nợ ước đạt gần 29.000 tỷ quy đồng. Trong đó, dư nợ hiện hành đạt trên 27.800 tỷ quy đồng, tăng trên 6% so với tháng 12/2002.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng giám đốc VCB, trong quý II tới, ngân hàng này sẽ mở rộng mạng lưới thanh toán thẻ ATM sang thị trường Lào. Như vậy tức là VCB sẽ là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đưa máy ATM ra hoạt động tại nước ngoài. Hiện doanh số rút tiền trung bình một ngày qua 70 máy ATM trên toàn quốc khoảng 4 tỷ đồng. Ngân hàng Ngoại thương Lào đứng ra nhận làm đại lý thẻ cho VCB.
|