(VietNamNet) - Là phong trào lớn đầu tiên ở tầm quốc gia của Việt Nam về quảng bá nhãn hiệu hàng hoá và thương hiệu doanh nghiệp. Chương trình được Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển phát động hôm qua (20/2) với hy vọng trở thành cú huých quan trọng để hàng Việt Nam vươn lên vị thế mới.
|
Vinamilk và bia Sài Gòn - những thương hiệu có giá trị ở Việt Nam |
''Vietnam Value Inside''
''Đây là một chương trình rất táo bạo - Bộ Trưởng Trương Đình Tuyển nhìn nhận - một số nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp sẽ được lựa chọn để gắn nhãn Thương hiệu Việt (Vietnam Value Inside). Thương hiệu này sẽ được tổ chức xúc tiến thương mại hỗ trợ quảng bá trên thị trường trong nước và quốc tế, tăng khả năng thu hút khách hàng và chiếm lĩnh thị trường.
Doanh nghiệp nhận Thương hiệu Việt được Chính phủ giúp đỡ khi tham gia hội trợ, triển lãm và tiến hành quảng cáo. 10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn cao nhất sẽ được nhận các giải thưởng có giá trị bằng tiền mặt. Hai năm một lần, các cơ quan quản lý sẽ đánh giá lại những doanh nghiệp này, nếu không còn đảm bảo các tiêu chuẩn thì sẽ bị thu hồi Thương hiệu Việt.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Thứ trưởng Bộ Thủy sản: Thương hiệu Việt Nam hiện còn yếu, do đó, xây dựng thương hiệu Việt là việc làm hết sức cần thiết. Tôi cho rằng, quảng bá thương hiệu không thể chỉ làm một cách riêng lẻ. Cần có các đầu mối phối hợp sức mạnh của mọi thành phần kinh tế. Mọi hiệp hội ngành hàng cần chú trọng nhiệm vụ này, bởi đó là tiếng nói chung của các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương - Giám đốc nông trường Sông Hậu: Quảng bá thương hiệu cho hàng nông sản hoàn toàn không dễ dàng. Nông sản Việt Nam có cơ cấu tương tự các quốc gia khác trong khu vực. Nay các nhà nhập khẩu chỉ mua hàng của Việt Nam với giá cao nếu sản phẩm đó mang một thương hiệu nổi tiếng của quốc gia khác. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, thường thì họ chấp nhận bán hàng dưới cái tên của người khác với giá cao, hơn là dưới tên của chính mình nhưng giá thấp. Chính phủ nên thông cảm cho doanh nghiệp. Theo tôi, việc xây dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế còn cần rất nhiều thời gian. |
Để được lựa chọn, Bộ Thương mại đề xuất, các doanh nghiệp cần tìm cho mình một kiểu nhãn hiệu riêng, đăng ký tại cơ quan đăng ký thương hiệu, sau đó đề ra chiến lược duy trì và nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo ra sự tin tưởng của khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải phát triển mạng lưới bán hàng trên thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng cáo về sản phẩm của mình tại thị trường trong và ngoài nước. Để nhận Thương hiệu Việt, doanh số tiêu thụ nội địa của doanh nghiệp phải tăng trưởng cao trong ba năm liên tiếp...
Trong năm nay sẽ có chương trình tổng thể về xây dựng thương hiệu
Theo kế hoạch của Bộ Thương mại, Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia tới năm 2010 sẽ được trình lên Chính phủ trong năm 2003. Một Ban chỉ đạo và Hội đồng tư vấn quốc gia sẽ được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là hướng dẫn, tư vấn cho doanh nghiệp. Bộ Thương mại sẽ tổ chức một cuộc thi chọn biểu trưng, tên và khẩu hiệu, phục vụ chương trình thương hiệu Việt. Hoạt động này rất có ý nghĩa, bởi biểu trưng Vietnam Value Inside có ''sứ mạng'' mang thương hiệu, giá trị Việt Nam đi khắp thế giới.
Cục Xúc tiến thương mại (Vietrade) cho biết, chương trình này sẽ được lồng ghép vào Triển lãm EXPO 2003, Hội chợ thương mại ASEAN 2004 và Triển lãm Thế giới AICHI 2005 (tại Nhật Bản), nhằm giới thiệu trực tiếp Vietnam Value Inside với bạn hàng thế giới. Một trong những mục tiêu của chương trình là đến năm 2010, nhãn hiệu Vietnam Value Inside trở thành một công cụ marketing hữu hiệu để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh các thị trường quốc tế.
|