|
Năm 2002, Nhà nước tăng thu thêm 119,35 tỷ đồng từ kiểm toán DNNN. |
(VietNamNet) - Bên lề cuộc họp tổng kết của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sáng qua (19/2), ông Tào Hữu Phùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho biết, Luật Ngân sách mới đã ''để trống'' quy định KTNN trực thuộc Quốc hội hay Chính phủ, và vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định.
Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao của Nhà nước trên các tất cả các lĩnh vực, trong đó có vấn đề chi tiêu của ngân sách. Theo nguyên tắc, Quốc hội duyệt dự toán và quyết toán ngân sách thì Quốc hội phải kiểm tra được thực tế Chính phủ thu chi ngân sách đúng như báo cáo để có cơ sở duyệt dự toán. Trong khi đó, Chính phủ lại tự kiểm toán để làm cơ sở cho Quốc hội duyệt quyết toán. Theo ông Phùng, tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi này khó có thể đảm bảo rằng, các kết luận kiểm toán được khách quan và công khai. KTNN thuộc Quốc hội thì công việc kiểm toán sẽ có tính tương đối độc lập, kết luận kiểm toán sẽ khách quan hơn. Hiện nay, đa số các đại biểu Quốc hội muốn KTNN trực thuộc Quốc hội. Trên thế giới, 70% các nước có cơ quan KTNN đặt trực tiếp dưới quyền của Quốc hội.
Kết quả kiểm toán năm 2002, KTNN đã tăng thu, tiết kiệm chi và đưa vào quản lý qua NSNN hơn 1.690 tỷ đồng; trong đó tăng thu 625,4 tỷ đồng, giảm chi hơn 222,2 tỷ đồng, đưa vào NSNN (ghi thu - ghi chi) 842,7 tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm toán DNNN, KTNN còn tăng thu thêm về thuế và các khoản nghĩa vụ khác của DN đối với Nhà nước 119,35 tỷ đồng; qua kiểm toán 5 dự án đầu tư xây dựng cơ bản đã kiến nghị giảm chi, tiết kiệm cho NSNN 68,67 tỷ đồng. |
Ông Phùng lấy dẫn chứng: ''Kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, thất thoát xây dựng cơ bản vào khoảng 30%. Năm nay, dự toán chi cho đầu tư xây dựng cơ bản 44.000 tỷ đồng, tính ra có thể thất thoát 12.000 tỷ đồng. Số tiền thất thoát (có thể) này thừa bù đắp để tăng lương tối thiểu (cần thêm khoảng 9.000 tỷ đồng). Đại biểu chỉ nói như vậy thôi chứ đâu có cơ sở định lượng (kiểm toán)''.
Chất lượng các báo cáo kiểm toán hiện nay đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Điều này phụ thuộc trước hết vào trình độ và cái tâm trong sáng của kiểm toán viên. Ông Phùng cho rằng, chưa nói đến đạo đức nghề nghiệp, trình độ kiểm toán viên hiện nay chỉ ở mức trung bình do đội ngũ ô hợp, chắp vá, nhiều người chưa được đào tạo cơ bản và chuyên sâu. Yêu cầu đối với kiểm toán viên thì khắt khe, liệu họ có được ưu đãi không? Về câu hỏi này, ông Phùng khẳng định là có, tất nhiên kiểm toán viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra.
Hiệu quả kiểm toán còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác, như quy định chế độ kế toán hiện hành của Bộ Tài chính, phối hợp giữa kiểm toán và thanh tra tài chính... Ông Phùng nói: '' Tôi thấy định mức chi NSNN hiện nay cần phải thay đổi và siết chặt hơn. Giữa thanh tra tài chính và kiểm toán đối với DN, cũng cần quy định khi nào thì thanh tra tài chính, khi nào kiểm toán, chứ các DN mà suốt ngày lo thanh tra, kiểm toán thì lấy đâu thời gian kinh doanh''.
Tròn 8 tuổi nhưng KTNN vẫn đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng và các mục tiêu đề ra của KTNN. Địa vị pháp lý của KTNN hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng, trình độ kiểm toán viên hạn chế, cơ sở vật chất nghèo nàn... Ông Hoàng Ngọc Hà, Phó tổng KTNN cho biết, năm 2003, KTNN sẽ trình Chính phủ dự án Pháp lệnh Kiểm toán, là một văn bản quan trọng để cũng cố hoạt động KTNN, đồng thời tiếp tục giải quyết những khó khăn và vướng mắc hiện nay.
|