''Ngành chè có thể mất một thị trường đặc biệt''
10:00' 18/02/2003 (GMT+7)

(VietNamNet) - Tổng Giám đốc Tổng công ty Chè Việt Nam, ông Nguyễn Kim Trọng, khẳng định như vậy với VietNamNet, trước những khó khăn mà ngành chè Việt Nam gặp phải nếu chiến tranh Mỹ - Iraq xảy ra. Hiện nay, Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) và các công ty trong ngành đang tập trung cao độ để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khác.

Thu hoạch chè

- Thưa ông, tại sao đối với chè Việt Nam, Iraq lại là một thị trường đặc biệt?

- Bởi mỗi lần ký hợp đồng xuất khẩu chè, chúng ta chỉ ký được khoảng một vài trăm cho đến vài nghìn tấn. Trên thế giới, không thị trường nào tiêu thụ chè lớn như Iraq. Hiện nay, nước này mua tới 60.000 tấn chè/năm, trong đó, riêng chè Việt Nam chiếm 1/3. Song,  điều đang nói là Iraq thực hiện theo chế độ phân phối từ Nhà nước, cùng một lúc họ mua rất nhiều chè; sau đó, phân phát cho dân. Còn tại nhiều nước khác, các tập đoàn kinh tế chỉ mua vài trăm tấn, hết lại mua tiếp. Mất Iraq là chúng ta mất một khách hàng đặc biệt, và sẽ rất đáng tiếc nếu chiến tranh Mỹ - Iraq xảy ra. 

Tại các thị trường khác thì rõ ràng là chất lượng chè của Việt Nam thấp, mặt hàng không phong phú, không có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Uy tín, thương hiệu chè Việt Nam chưa có trên thế giới. Hiện chúng ta mới xuất khẩu chè rời.

- Những động thái chuẩn bị chiến tranh của Mỹ vừa qua đã tác động đến xuất khẩu chè của Việt Nam chưa?

- Nói chung vào đầu vụ chè này thì chưa có ảnh hưởng gì lớn cả, bởi các thương lái bao giờ cũng mua chè dự trữ vào cuối năm. Thời kỳ này cây chè đang bị đốn, việc sản xuất chè cũng đang chững lại. Phải từ tháng 3, chè mới bắt đầu vào vụ. Do vậy, lúc này, người  ta chỉ bán chè tích trữ. Nếu Việt nam có xuất khẩu thì cũng là xuất lượng chè gối đầu, khoảng 1.000-2.000 tấn. Thực ra, Iraq mới đang bị đe dọa chứ chiến tranh chưa xảy ra.

- Ông có thể cho biết thành công lớn nhất mà ngành chè Việt Nam đạt được trong năm qua?

Năm 2002, Việt Nam trồng được 108.000ha, trong đó có 87.000ha chè kinh doanh, đứng thứ năm thế giới về diện tích. Cả nước sản xuất được gần 90.000 tấn chè xuất khẩu, trong đó, xuất khẩu năm 2002 đạt 72.000 tấn, vượt 6% so với năm 2001.

- Theo tôi, đó là xuất khẩu. 2002 là năm tương đối khó khăn đối với ngành chè: thời tiết khô hạn trong 5 tháng đầu năm làm cho năng suất, chất lượng chè giảm; sản lượng chè xuất sang thị trường Iraq thấp hơn 8.000 tấn so với năm 2001 (năm 2001 là 24.000 tấn); việc đầu tư ồ ạt cho các nhà máy chè, có thể nói là nhà máy mọc lên như nấm, dẫn đến tình trạng mất cân đối về công suất của nhà máy với vùng nguyên liệu. Ở địa phương, nhiều nhà máy có công suất vượt 2-3 lần so với khả năng cung cấp vật liệu, vì vậy, các nhà máy quay sang cạnh tranh vùng nguyên liệu với nhau, khiến giá thành chè bị đội lên rất cao, trong khi chất lượng chè lại giảm. Điều này ảnh hưởng đến giá thành chè xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới. 

Như vậy, đạt được 72.000 tấn chè xuất khẩu thể hiện sự nỗ lực lớn của ngành chè Việt Nam. Đó cũng là điều đáng mừng bởi Iraq - thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của nước ta - giảm sản lượng. Chúng ta chẳng những không xuất giảm đi, mà còn xuất bằng và xuất vượt năm 2001.

- Có những tháng chúng ta đã đạt mức xuất khẩu trên 200%?

- Điều này cũng đúng. Xuất khẩu chè thường tập trung vào một số tháng, khoảng tháng 8-10, và việc lượng chè xuất khẩu vào một tháng nào đấy cũng không có gì là lạ. Có thể trong 7 tháng đầu năm, chè sản xuất ra nhưng chưa tiêu thụ được.

- Trước đó ông có nhắc đến sự bất hợp lý giữa nhà máy và vùng nguyên liệu - bất cập không chỉ riêng của ngành chè. Vậy, theo ông, cần giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?

- Thực ra, các nhà máy chè hiện đã đầu tư rồi, bảo người ta phá đi rất khó. Theo tôi, để giải quyết tình trạng này, thứ nhất, phải cân đối vùng nguyên liệu một cách hợp lý và các tỉnh, các địa phương cần thực hiện nghiêm Quyết định 80 của Chỉnh phủ về khoanh vùng nguyên liệu; DN có trách nhiệm ký hợp đồng với các HTX, bà con nông dân trong tiêu thụ chè nguyên liệu. Thứ hai, yêu cầu các nhà máy không đủ điều kiện về công nghệ, thiết bị cần nâng cấp hoặc ngừng sản xuất, đóng cửa để đảm bảo uy tín cho chè Việt Nam. Thứ ba, đẩy mạnh trồng mới các đồi chè để tăng diện tích; đồng thời chăm sóc tốt nhằm nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm cho chè.

Các địa phương cần quản lý thật chặt việc cho phép đầu tư xây nhà máy chế biến chè mới. Chỉ được phép đầu tư các nhà máy khi đảm bảo có một vùng nguyên liệu ổn định chúng hoạt động và không bị tranh chấp nguyên liệu với các nhà máy sẵn có. Phải đảm bảo về công nghệ, khâu quản lý cho các nhà máy mới này. Nếu không đạt được những yêu cầu trên thì không cho đầu tư, vì nếu cứ đầu tư trà lan sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành. 

Hiện nay, 85% chè của Việt Nam dành cho xuất khẩu đến 52 quốc gia, đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu chè. Trong khi các nước khác đang nâng cao chất lượng và hạ giá thành, thì chất lượng sản phẩm chè Việt Nam bị giảm đáng kể do cạnh tranh không lành mạnh, do sự bất hợp lý giữa cung cấp nguyên liệu và công suất nhà máy. Như vậy thì làm sao chè Việt Nam cạnh tranh được với các nước trên thế giới? Và ngành chè sẽ còn gặp khó khăn, không ngoại trừ khả năng sẽ xảy ra tình trạng giống như ngành cà phê mấy năm trước. 

- Vậy, theo ông, ngành chè cần những giải pháp gì?

- Năm 2003, khó khăn nhất của cây chè Việt Nam là vấn đề thị trường. Giải pháp đối với ngành chè hiện nay, trước hết, đề phòng nguy cơ mất thị trường Iraq. Chúng tôi đang tập trung cao độ củng cố vững chắc quan hệ với các thị trường hiện có; mặt khác, tìm cách tiêu thụ sản lượng chè không đưa vào được quốc gia này.

Tổng công ty Chè Việt Nam cũng đã được Nhà nước cho phép thành lập công ty 100% vốn tại Liên bang Nga. Công ty này đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết trước khi đi vào hoạt động. Việc tổ chức các kênh phân phối, xây dựng thương hiệu và quảng cáo đang được thực hiện với hy vọng sẽ đem lại doanh số đáng kể cho Vinatea tại đây. Nga là thị trường tiêu thụ chè rất lớn, khoảng 160.000 tấn/năm. Nếu làm tốt những khâu này, chúng ta có thể tiêu thụ hàng vạn tấn chè.

- Tại sao vệc đầu tư này tại Nga lại được thực hiện trong vòng 25 năm, thưa ông?

- Đây là một công ty thương mại. Nếu Vinatea bán chè cho các công ty tư nhân của Nga thì độ rủi ro cao bởi khả năng thanh toán của các công ty này khó khăn. Nếu họ đòi thanh toán luôn cũng không được, trong khi cho thanh toán chậm thì chúng tôi rất sợ. Bây giờ Vinatea phải thành lập công ty, đưa chè sang đó bán và thành lập các kênh phân phối, kể cả giao cho các công ty ở Nga, nhưng chỉ giao ít thôi. Đưa chè chế biến vào Nga sẽ bị đánh thuế rất cao, do vậy, chúng tôi chỉ đưa chè rời vào Nga rồi thuê nhà xưởng để đóng gói.

Trước mắt, chúng tôi chỉ duy trì hoạt động công ty này trong vòng 25 năm vì hy vọng, khoảng thời gian đủ để Vinatea có thể đưa thương hiệu và sản phẩm chè đứng vững tại thị trường Nga. Khi đó, chúng tôi sẽ tiêu thụ chè trực tiếp tại Nga; và không chỉ người Việt Nam phân phối chè của Vinatea, mà chính người Nga cũng tham gia phân phối chè Việt Nam. 

- Ngoài thị trường Nga, Vinatea còn dự định thành lập thêm công ty như vậy tại các quốc gia khác không?

- Thị trường Nga là khởi điểm của Vinatea trong hoạt động này. Chúng tôi cũng đang có định hướng thành lập các công ty như vậy ở các quốc gia khác. Thị trường nào Vinatea chưa tìm được đối tác tin cậy để giao sản phẩm, dứt khoát tổng công ty phải có đơn vị đại diện ở đó thì xuất khẩu mới chủ động được. Rất khó nếu ngồi đợi khách hàng đến mua sản phẩm của mình.

- Thị trường Pakistan có triển vọng không, bởi năm 2002, lượng chè chúng ta xuất sang thị trường này tăng đáng kể?

- Pakistan là một thị trường lớn. Năm qua, họ nhập của chúng ta khoảng 9.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay, Pakistan đã ký hiêp định tự do hoá thương mại với một số nước, như Sri Lanca, Bangladesh. Thuế suất nhập khẩu chè từ các nước này bằng 0, trong khi Việt Nam phải chịu mức thuế 45%. Cho nên, chúng ta bị giảm ưu thế so với các nước trên.

- Sau Iraq, Nga, theo ông, mảng thị trường nào là quan trọng đối với ngành chè Việt Nam?

- Đó là Trung Đông và EU, Đài Loan. Nhưng thị trường EU đòi hỏi chất lượng chè, độ an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao, mặc dù hiện nay mỗi năm chúng ta xuất vào thị trường này 10.000 tấn. Chúng ta có khả năng đưa vào EU nhiều hơn, khoảng 20.000-30.000 tấn, nếu nâng cao được chất lượng chè. Khi xuất được lượng chè như vậy thì chúng ta không lo gì cả.

- Rõ ràng vấn đề nâng cao chất lượng chè là cực kỳ quan trọng. Ngành chè Việt Nam cần phải làm gì để giải quyết vấn đề đó, đặc biệt là nâng cao chất lượng giống, đổi mới thiết bị sản xuất?

- Giống là việc làm cần thiết nhưng phải làm lâu dài, không thể một sớm một chiều. Cây lúa sau ba tháng là biết chất lượng, nhưng nếu đưa giống mới vào trồng khảo nghiệm phải mất 4-5 năm, thậm chí 6-7 năm. Ngoài việc đưa nhiều giống mới vào khảo nghiệm, cần khai thác triệt để vườn chè hiện có. Muốn làm được vậy phải tập trung chăm sóc để cây chè sinh trưởng tốt, cho chất lượng đảm bảo, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Sau đó, chúng ta cần tổ chức chế biến đảm bảo quy trình. Dứt khoát là phải đóng cửa những nhà máy không có đủ điều kiện về máy móc thiết bị. Hiện nay, chúng ta xuất khẩu chè mà chưa có thương hiệu, chưa có mẫu mã. Người ta đều gọi chè rời chúng ta xuất khẩu là chè Việt Nam, mà không nói đây là chè của Vinatea hay của công ty nào. Khi công ty khác xuất khẩu chè với chất lượng thấp, ngay lập tức ảnh hưởng đến chè Việt Nam. Đây là điều mà Tổng công ty Chè rất lo, vì Vinatea hiện đang dẫn đầu cả nước về chất lượng, năng suất chè. Nhưng xung quanh Vinatea là hàng trăm công ty khác.

- Thưa ông, nhưng tại sao các DN chế biến chè lại không tập trung nhiều cho cho đổi mới thiết bị?

 - Với sự cạnh tranh vùng nguyên liệu như hiện nay, các nhà máy  rất sợ đầu tư thiết bị mới, bởi nếu đổi mới thiết bị thì khi vận hành, nhà máy phải bảo đảm ít nhất 80% công suất. Nếu đổi mới rồi mà nguyên liệu chỉ đáp ứng được 30-40%, hay 50-60%, thì các nhà máy sẽ bị thua lỗ, không thu hồi được vốn. Do vậy, không ai dám đầu tư công nghệ mới, vì đầu tư là chết ngay.

Lấy ví dụ như hiện nay, một nhà máy chè liên doanh giữa tổng công ty và một tập đoàn của Bỉ, đầu tư 3 nhà máy có dây chuyền thiết bị hiện đại tại 3 huyện Thanh Đa, Đoan Hùng, Hạ Hòa (Phú Thọ). Nhưng 3 huyện này hiện có tới 37 nhà máy chế biến chè do các công ty, DN tư nhân đầu tư, với tổng công suất 89.000 tấn/năm. Trong khi đó, khả năng cung cấp nguyên liệu chỉ đạt 20.000 tấn, do vậy, công suất nhà máy vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu 5 lần. Công ty liên doanh này đang đứng trước tình trạng cực kỳ gay gắt do không có nguyên liệu và làm ăn không có hiệu quả.

Ở Việt Nam có khoảng 400 nhà máy chế biến chè, trong số đó chỉ gần 1/3 là đảm bảo chất lượng xuất khẩu và công nghệ thiết bị chế biến, còn hầu hết là phải xem xét lại.

- Một lần nữa, vấn đề quy hoạch lại được đặt ra?

- Trên thực tế, quy hoạch là vấn đề thuộc các tỉnh, địa phương (Nhà nước đã quy hoạch tổng thể rồi). Khi các tỉnh cấp giấy phép cho một nhà máy mới, cần cân đối quy hoạch của vùng nguyên liệu: nhà máy có công suất là bao nhiêu? tương đương với vùng nguyên liệu là bao nhiêu hecta?... Tình trạng này ở ngành chè hiện rất bức xúc. Nhà máy này đang hoạt động ổn định, với vùng nguyên liệu ổn định, thì lại mọc lên một nhà máy mới. Trong khi DNNN phải nuôi một bộ máy lớn, đầu tư bài bản về thiết bị, máy móc, nhà xưởng... với chi phí cao, thì các DN tư nhân có bộ máy gọn nhẹ, đầu tư sơ sài nên dư vốn, mua nguyên liệu với giá rất cao. Thế là xảy ra cạnh tranh.

- Thế còn việc xây dựng thương hiệu cho ngành chè, thưa ông?

- Việc xây dựng thương hiệu ở Việt Nam hiện rất khó khăn đối với các DN, không riêng DN ngành chè. Ví như, nếu Vinatea muốn khuếch trương sản phẩm tại Nga, tổng công ty phải cần ít nhất 500.000 USD/năm để quảng cáo. Đối với người Nga, nếu chưa quảng cáo dứt khoát người ta không mua. Vinatea đã từng đưa chè sang đây nhưng bán rất chậm, trong khi các loại chè khác chất lượng kém hơn song nhờ quảng cáo nên bán chạy. Riêng ngành chè, không chỉ quảng cáo một lần, một năm mà là cả một quy trình, khoảng 5-10 năm thì mới hình thành tên tuổi, như Dilmah, Lipton, Quanlitea.

Bây giờ Nhà nước nói xây dựng thương hiệu thì đúng rồi, nhưng phải có chính sách hợp lý. Không phải sản phẩm gì chúng tôi cũng xây dựng thương hiệu, cũng quảng cáo. Trước hết, phải xem xét xem sản phẩm ấy có đủ mạnh không, chứ sản phẩm nhỏ, sản xuất ít thì làm sao đảm bảo chi phí quảng cáo?

Nhà nước cũng phải có chính sách lựa chọn những DN lớn để xây dựng thương hiệu; đồng thời, cho họ vay vốn với lãi suất ưu đãi giống như cho vay ưu đãi dài hạn. Chi phí xây dựng thương hiệu quá lớn nhiều khi là các DN nản chí. Trong khi DN tư nhân thì ''bố'' xây dựng thương hiệu ''con'' được hưởng, còn DNNN khi xây dựng được họ đã nghỉ hưu hết rồi, do vậy, khó có thể xây dựng được thương hiệu một cách lâu dài.

  • Hà Yên (thực hiện)
  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xuất khẩu cá chuồn sang Mỹ (18/02/2003)
Sân bay Buôn Ma Thuột thành sân bay quốc tế (18/02/2003)
Vì sao sốt xăng? (18/02/2003)
Thị trường cà phê Việt Nam sôi động trở lại (18/02/2003)
"Lượng xăng dầu cung cấp vẫn duy trì bình thường" (18/02/2003)
Giá xăng tăng 300 đồng/lít (18/02/2003)
Rao bán đất sạch trên mạng (18/02/2003)
Ngày 12/3, Philippines đấu thầu mua 400.000 tấn gạo (17/02/2003)
Đã bãi bỏ 210 loại phí, lệ phí bất hợp lý (17/02/2003)
Tăng giá bán xăng dầu (17/02/2003)
Dung Quất sẽ có khu liên hiệp đóng tàu biển lớn (17/02/2003)
Thực phẩm xuất sang Mỹ phải đăng ký với FDA trước 12/12 (17/02/2003)
EU tăng hạn ngạch cho hàng dệt may Việt Nam (17/02/2003)
Cam Hà Giang ế ẩm (16/02/2003)
Xem tiep Tro ve dau trang