|
Sản xuất thép tại Công ty Gang thép Thái Nguyên. | Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Giám đốc Nhà máy Thép Nhà Bè, cho biết, Nhà Bè đang bán thép vằn với giá 5,2-5,5 triệu đồng/tấn, thép cuộn 5,2-5,3 triệu đồng/tấn, thép chữ V là 5,5-5,6 triệu đồng/tấn. Giá này chưa tính thuế GTGT, tăng từ 8 đến 10% so với tháng trước. Thép nội bán lẻ trên thị trường TP.HCM cũng tăng gần 10% so với trong Tết.
Với giá phôi như hiện nay, sau khi đóng 10% thuế nhập khẩu, cộng các chi phí vận chuyển từ cảng về nhà máy, khấu hao nhà xưởng, tiền lương, điện, thuế, lợi nhuận... giá thép thành phẩm sẽ lên đến 5,7-5,8 triệu đồng/tấn. Như vậy, sau 3-4 tháng nữa, khi những lô phôi nhập khẩu về tới nhà máy, giá thép thành phẩm sẽ tăng thêm 5-10% so với hiện nay. Một số nhà phân tích cho rằng, do thị trường quốc tế và trong nước đang biến động nên đã xuất hiện tình trạng đầu cơ thép, do vậy, càng đẩy giá thép lên cao.
Thị trường khan hiếm phôi thép
Ông Trần Quang, Phòng XNK Công ty Thép Miền Nam, cho biết, sáng 12/2, một khách hàng chào bán phôi thép hỗn hợp tiêu chuẩn CT3 và CT5 của Ukraine, với giá đưa tới cảng Sài Gòn là 282 USD/tấn. Đây là mức giá khá mềm, người mua khó có thể trả giá thấp hơn. Tuần trước, có một lô phôi thép Trung Quốc 3.000 tấn, tiêu chuẩn tốt hơn CT5, khách chào bán 295 USD/tấn. Thấy giá cao công ty không mua, nhưng chỉ một ngày sau, chủ hàng đã bán hết cho khách Đài Loan.
Từ giữa năm ngoái đến nay, giá phôi trên thị trường quốc tế tăng liên tục. Từ chỗ giá nhập chỉ 186 USD/tấn, cuối năm 2002 tăng lên 230 USD/tấn, và nay con số này là 282. So với giá phôi trung bình của cả nước nhập trong năm 2002, mức giá này đã tăng 35%.
Có nhiều nguyên nhân làm cho giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng cao. Trước hết, do Ukraina và Nga - hai nước sản xuất phôi hàng đầu thế giới - đã giảm sản lượng. Thời tiết rất lạnh ở hai nước này mùa đông vừa qua cũng làm cho việc vận chuyển phôi từ nơi sản xuất ra cảng biển gặp nhiều khó khăn do khoản chi phí phá băng mở đường. Trước đây, cước chở hàng từ Ukraina tới cảng Sài Gòn là 24-26 USD/tấn, nay tăng lên trên 30 USD/tấn.
Trong khi đó, nguồn phôi cung ứng từ các nước khác cũng khó khăn. Công cuộc đại khai phá miền Tây rộng lớn làm cho nhu cầu thép Trung Quốc tăng cao, vì vậy, hơn 6 tháng nay, nguồn phôi từ nước này đã trở nên khan hiếm. Mặt khác, do tình hình Iraq căng thẳng nên một số nước Trung Đông tăng cường nhập khẩu phôi từ Nga và Ukraina, làm cho nguồn phôi từ miền Viễn Đông tăng giá thêm.
Năm 2002, cả nước chỉ sản xuất được khoảng 500.000 tấn phôi, riêng Công ty Thép Miền Nam chiếm gần 50%. Lượng phôi nhập khẩu đạt 2,133 triệu tấn, trị giá 446 triệu USD (giá trung bình là 209 USD/tấn), trong đó khoảng 65% nhập từ Nga và Ukraina. Sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu phôi, còn 80% phải nhập khẩu, nên mỗi khi giá phôi trên thị trường quốc tế biến động thì giá thép trong nước cũng tăng theo. |
(Theo NLĐ) |