|
Mỗi trạm thu phí cùng tuyến phải cách nhau 70km. |
(VietNamNet) - Tại cuộc họp báo ngày 14/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, từ ngày 1/3, sẽ bãi bỏ hoàn toàn việc cấp thẻ miễn phí cầu, đường bộ và chỉ một số đối tượng đặc biệt được miễn phí cầu đường. Các thẻ miễn phí hiện hành chỉ có giá trị đến ngày 28/2.
Theo Thông tư 109 của Bộ Tài chính, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ đều phải chịu phí đường bộ trừ một số đối tượng đặc biệt được miễn phí như: xe cứu thương, xe cứu hoả, xe máy lâm nghiệp, nông nghiệp, xe hộ đê, làm nhiệm vụ khẩn cấp về phòng chống lụt bão, xe chuyên dùng phục vụ cho quốc phòng, đoàn xe có xe hộ tống dẫn đường. Các loại xe khác của công an, quan đội và xe chở bí thư, chủ tịch tỉnh, đại biểu Quốc hội... trước đây được cấp thẻ miễn phí đường bộ thì nay phải đóng phí như những phương tiện thông thường.
Bãi bỏ thẻ miễn phí để xã hội hoá đầu tư
Theo ông Trương Chí Trung, trước đây, các công trình cầu đường chủ yếu do Nhà nước đầu tư nên có thể chấp nhận việc cấp thẻ miễn phí cho một số đối tượng sử dụng ngân sách. Thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư, ngoài hình thức đầu tư của Nhà nước, còn nhiều nguồn huy động khác nhau như liên doanh, liên kết, BOT... Thu phí để bù đắp chi phí và có lãi, nên việc cấp thẻ miễn phí phải bãi bỏ để đảm bảo cho các chủ đầu tư thu hồi vốn và thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu đường. Việc bãi bỏ cấp thẻ miễn phí cầu, đường bộ giúp các cơ quan, đơn vị kinh tế, ngay cả đơn vị sự nghiệp, tăng cường hạch toán, phản ánh đầy đủ các nguồn thu chi và tiết kiệm chi phí.
Bãi bỏ thẻ miễn phí cầu đường còn do việc cấp thẻ thời gian qua có nhiều sơ hở, dễ bị lợi dụng. Số đối tượng được ấp thẻ miễn phí theo quy định thì ít, nhưng thực tế lại cấp hơn rất nhiều do vị nể, thân quen hoặc do áp lực cấp. Mặt khác, lợi dụng việc cấp thẻ miễn phí đã xuất hiện hiện tượng làm thẻ miễn phí giả, vé giả hoặc phát sinh tiêu cực ngay trong các đơn vị thu phí. Theo Bộ Tài chính, qua một đợt kiểm tra liên ngành tại hai trạm thu phí là Chương Dương và Thăng Long, đã phát hiện được 200 thẻ miễn phí giả.
Mức phí cầu, đường bộ giảm 20%
Do tính toán chi phí ở nhiều đoạn cầu, đường bộ khác nhau nên trước đây, cùng một loại xe nhưng mỗi một cầu đường bộ có mức thu khác nhau, dẫn đến có 35 mức thu khác nhau áp dụng cho các loại xe. Nay Bộ Tài chính thu gọn còn 7 mức áp dụng theo từng nhóm xe có tải trọng hoặc số ghế ngồi gần tương đương nhau. Mức phí bình quân cho tất cả các phương tiện cũng đã giảm khoảng 20% so với trước đây. Chẳng hạn, xe trọng tải từ 18 tấn trở lên trước đây áp mức phí 100.000 đồng/lượt, nay còn 80.000 đồng/lượt. Ngoài hình thức vé lượt, vé tháng như trước đây, nay còn áp dụng thêm các hình thức vé quý, vé tuyến, vé năm bán vé tại nhiều tuyến, điểm và bất cứ thời gian nào... để người có nhu cầu chủ động mua vé sử dụng cho phù hợp hoạt động đi lại. Bộ Tài chính cho biết, các loại vé cầu, đường bộ mới sẽ bắt đầu được bán từ 20/2 tới.
Theo quy định của Thông tư 109, các trạm thu phí cũng tuyến sẽ phải cách nhau 70 km, nếu khác tuyến phải cách nhau 30 km. Tuy nhiên hiện nay vẫn tồn tại một số trạm để quá gần nhau như trên quốc lộ 5, trạm cầu Bình cách trạm Hải Dương 20 km; trên quốc lộ 21 trạm Mỹ Lộc cách trạm Đò Quan 13km. Bộ Tài chính cho biết sẽ thực hiện cơ chế khoán chi phí đối với các trạm thu phí, tránh tình trạng thất thoát và gia tăng tăng chi phí như hiện nay một số trạm.
|