"Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu Việt - Cam 2002" do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM vừa tổ chức tại Phnom Penh đã mở ra triển vọng mới cho nhiều doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại với Campuchia.
|
Chợ Trung tâm Phnom Penh, Campuchia |
Thực ra, không phải đợi đến lúc này, mà từ nhiều năm qua không ít doanh nghiệp An Giang đã âm thầm tiến vào thị trường Campuchia và đã giành được vị thế nhất định tại thị trường này.
Bà Trần Hồng Thanh - Phó giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn liên doanh Công nghệ thực phẩm An Thái (ANTHAIFOOD) thừa nhận: "Nhờ thị trường Campuchia mà chúng tôi... sống được".
Chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, ANTHAIFOOD - nổi tiếng với mặt hàng mì gói - đã hình thành một hệ thống đại lý, văn phòng đại diện rải đều khắp các tỉnh thành của nước bạn. Dù hiện nay có gần 80 chủng loại sản phẩm của ANTHAIFOOD đã có mặt tại 15 quốc gia, nhưng hàng năm thị trường Campuchia chiếm đến 60% tổng sản phẩm làm ra của công ty, với sức tiêu thụ trên dưới 5 triệu sản phẩm/tháng. Riêng trong năm 2002, giá trị sản phẩm bán vào thị trường này khoảng 2,1 triệu USD. Bà Thanh nói: "Đây là thị trường có tiềm năng rất lớn. Nếu như có hiệp định thanh toán giữa hai nước, để hạn chế hơn những rủi ro trong kinh doanh, lượng hàng công ty xuất sang Campuchia sẽ có khả năng gia tăng nhiều hơn nữa".
Trong khi đó, từ vụ đông-xuân 2002-2003, Công ty Dịch vụ bảo vệ thực vật An Giang cũng bắt đầu dọn đường đưa sản phẩm qua Campuchia bằng việc mở các điểm trình diễn và huấn luyện kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cán bộ nông nghiệp hai tỉnh Kondal và Takeo.
Các doanh nghiệp khác như Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang, Nước tương Miền Tây (TP Long Xuyên), Nước tương Vị Hương, Cầu lông Hoàng Yến (Chợ Mới)... cũng đã tìm được đối tác làm ăn và đang chuẩn bị xuất những lô hàng đầu tiên sang Campuchia.
(Theo Thanh Niên) |