|
Nuôi ong tại Đăk Lăk | Đó là yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về chất lượng xuất khẩu mật ong, nhất là thị trường Liên minh châu Âu (EU). Trước đây, thị trường này chỉ đòi hỏi 7 chỉ tiêu chất lượng, nay đã lên tới 10 chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu lại có yêu cầu cao hơn trước. Bên cạnh đó, số hộ nuôi và đàn ong trong nước đang phát triển ồ ạt.
Ông Đinh Quyết Tâm, Giám đốc Công ty Ong Trung ương kiêm Chủ tịch Ủy ban Kinh tế nuôi ong - Hội Ong thế giới (Apimondia), cho biết, giá mật ong tăng mạnh năm qua chỉ là sự đột biến về cung cầu do Argentina, nước xuất khẩu ong thứ hai thế giới, bị mất mùa; và Trung Quốc, nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu mật ong (khoảng 100.000 tấn/năm, chiếm gần 1/3 sản lượng thế giới) bị EU tạm từ chối nhập khẩu do tồn dư chất kháng sinh (chloramphenicol).
Năm 2002, ngành ong mật đạt 3 kỷ lục: sản lượng và năng suất cao nhất (khoảng 15.000 tấn mật ong và trên 40 kg mật/đàn/vụ), kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất (13 triệu USD) và thu nhập người nuôi ong đạt mức lợi nhuận lớn nhất (do giá mật tăng cao từ 7.000 lên 15.000-19.000 đồng/kg). Thu nhập bình quân mỗi hộ nuôi ong trên dưới trăm triệu đồng/vụ, có hộ lời đến hàng tỷ đồng. Ở châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về lượng mật ong xuất khẩu. |
Vừa qua, Bộ Thương mại Viêt Nam đã đề nghị Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) có kế hoạch kiểm soát chất lượng mật ong xuất khẩu sang thị trường EU. Ngay cả việc xuất khẩu cũng sẽ gặp sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước, đặc biệt là với Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia. Những thách thức này không cho phép ngành mật ong Việt Nam chỉ chú ý phát triển về số lượng mà lơ là các yêu cầu về chất lượng.
Trong khi đó, những diễn biến trong nước lại gặp nhiều bất lợi. Đã có sự phát triển ồ ạt số hộ nuôi ong và đàn ong. Chỉ hai tỉnh Gia Lai và Đak Lak, nơi chiếm 1/2 lượng mật ong xuất khẩu năm 2002, tổng đàn ong nay đã tăng đột biến lên 200.000 so với trên 120.000 đàn ong vụ 2001-2002. Cơn sốt về nuôi ong làm cho giá một cầu ong giống tăng gấp đôi, từ 30.000 đồng lên 60.000 đồng mà vẫn không đủ cung cấp.
Việc nuôi ong tự phát, chưa được hướng dẫn kỹ thuật nên dễ gặp rủi ro và ảnh hưởng đến chất lượng mật. Do nhu cầu ong giống tăng cao nên trên thị trường xuất hiện giống ong cũ, năng suất và khả năng kháng bệnh kém. Điều này làm tăng nguy cơ thoái hóa giống và khả năng phát sinh dịch bệnh trên diện rộng. Đó là chưa nói đến tình trạng gia tăng mật độ đàn ong trên đơn vị diện tích dẫn đến tình trạng tranh giành mật giữa các đàn, chúng sẽ đánh nhau gây chết hàng loạt. Diễn biến thời tiết cũng là yếu tố rất khó đoán biết trước, nhất là với người mới nuôi. Đây là những yếu tố làm cho người nuôi ong dễ bị trắng tay nếu non kém kinh nghiệm.
Ông Đinh Quyết Tâm cảnh báo, người dân không nên chuyển qua nuôi ong một cách ồ ạt. Những trục trặc của Trung Quốc và Argentina chỉ là vấn đề kỹ thuật. Cần hết sức tỉnh táo để không lập lại vết đổ của cây cà phê, cho dù ngành ong Việt Nam từ khi tham gia xuất khẩu đến nay chưa năm nào bị tồn đọng sản lượng mật, chỉ có giá cả dao động. Nhiều năm liền ngành ong mật có tốc độ phát triển bình quân khá cao, 10%/năm. | Hiện nay, có tình trạng người nuôi ong truyền thống gặp khó khăn khi đem đàn giống đến một địa phương hay vườn cây nào đó. Chủ vườn buộc phải ''đóng thuế'' (có thể lên đến vài triệu đồng) nếu muốn thả ong trong vườn cây của họ. Trong khi đó, trước đây, các chủ vườn thường mời chủ nuôi ong đến dựng trại, vì đàn ong giúp khả năng thụ phấn cao hơn, làm tăng năng suất cây trồng.
Đồng thời, đã xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh trong tranh mua, bán giữa các đơn vị kinh doanh ong mật ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện nay, số đơn vị tham gia xuất khẩu tăng từ 4 lên gần 40 đơn vị. Các đơn vị này chưa có tiếng nói chung khi thương thảo với nước ngoài về chuẩn định lượng, tính chất sản phẩm. Không ít doanh nghiệp, do lợi nhuận trước mắt, đã nhập mật ong không đảm bảo chất lượng của nước bị cấm xuất khẩu để xuất sang nước thứ ba. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đối với uy tín và chất lượng mật ong Việt Nam.
Những diễn biến gần đây của ngành ong sau một mùa mật ''ngọt ngào'', như tăng đàn một cách đột biến, giá ong giống tăng cao, cạnh tranh không lành mạnh... báo hiệu những nguy cơ bất lợi cho cả người nuôi ong và kinh doanh ong thời gian tới.
(Theo SGGP) |